Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Trụ sở nhiều cơ quan công quyền lộng lẫy như cung điện
Hàn Tín - 19/09/2013 19:58
 
Cũng như cho ý kiến vào công tác chống tham nhũng ngày hôm qua (18/9), hôm nay, khi thảo luận về công tác tiết kiệm, chống lãng phí tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước rất thẳng thắn khi chỉ ra rằng: “Trụ sở nhiều cơ quan công quyền… lộng lẫy như cung điện chính là biểu hiện của sự lãng phí đến mức xa hoa”. >>> >>> >>>
Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Quan điểm của ông Phước nhận được sự đồng tình của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà Ngân cho rằng, lãng phí đất đai, tài sản công, xây dựng trụ sở cơ quan công quyền hoành tráng diễn ra ở nhiều nơi, trong bối cảnh địa phương vẫn còn rất nghèo, năm nào cũng phải nhận trợ cấp từ Trung ương.

Ông Phước kiến nghị phải công bố danh sách cụ thể địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị, kể cả cơ quan của Đảng các cấp đang sử dụng lãng phí đất đai, xây trụ sở vượt quá khả năng sử dụng gây lãng phí tiền của.

“Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn phải sử dụng trụ sở quá chật hẹp, không đủ diện tích tối thiểu theo quy định, ngược lại, không ít nơi xây dựng trụ sở cơ quan công quyền, trụ sở của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể lung linh - lộng lẫy - nguy nga - xa hoa như cung điện… trông rất phản cảm trong bối cảnh địa phương còn rất nghèo”, ông Phước bức xúc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Tài chính phải công bố rõ danh tính từng đơn vị đang sử dụng lãng phí tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai và xây dựng trụ sở quá hoành tráng.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đoán: “Chắc là Bộ Tài chính đã có đủ danh sách cơ quan, đơn vị tổ chức sử dụng lãng phí đất đai, lãng phí bao nhiêu; xây dựng trụ sở quá lớn, trị giá bao nhiêu. Vấn đề là đã dám công khai chưa mà thôi”.

Bà Ngân đề nghị cần phải công bố công khai tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan, tổ chức cho người dân biết để thực hiện giám sát.

“Nhiều đại biểu Quốc hội khi phát biểu trên nghị trường hay tại các buổi thảo luận tổ rất bức xúc trước tình trạng lãng phí và có thể dẫn chứng rất nhiều trường hợp lãng phí ở những nơi khác, nhưng lãng phí ngay tại chính địa phương mình, chính nơi mình được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội lại không biết vì đến nay Bộ Tài chính chưa công bố công khai danh tính cụ thể từng địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai, trụ sở làm việc không tiết kiệm dẫn tới lãng phí”.

“Trụ sở cơ quan công quyền, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể… là nơi để phục vụ người dân chứ không phải là “biệt phủ” của các quan chức. Vì vậy phải công bố công khai cho người dân biết, kể cả trụ sở cơ quan của Đảng xây dựng quá hoành tráng để cho người dân biết. Chúng ta làm việc này chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền vì lấy được lòng tin của người dân”, ông Phước nói thêm.

Cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2013, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm chưa hài lòng với kết quả đạt được.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2013, có 52 địa phương đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 51,3 tỷ đồng, 445 ha đất. Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát ước khoảng 383 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, qua đó phát hiện 36.450 khoản chi chưa bảo đảm thủ tục, chế độ quy định, của 16.200 lượt đơn vị, đã từ chối chưa thanh toán khoảng 663 tỷ đồng.

Từ năm 2008 đến nay, thông qua mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính giảm chi được 397 tỷ đồng, Bộ Tư pháp giảm chi 729 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm chi gần 14 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận giảm chi 3 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình giảm chi 44,4 tỷ đồng...

Trong 7 tháng đầu năm 2013 giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 52% dự toán (cùng kỳ năm 2012 giải ngân đạt 47,7% dự toán); vốn trái phiếu chính phủ giải ngân khoảng 33 nghìn tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch (cùng kỳ năm 2012 đạt 43,9% kế hoạch).

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, kết quả đạt được như trên là chưa tương xứng với những động từ mạnh được sử dụng trong Báo cáo của Bộ Tài chính như “thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường hiệu quả, hiệu lực; khẩn trương triển khai; kiên quyết chỉ đạo; chủ động điều hành, quản lý chặt chẽ...”.

“Tôi đi tham dự khởi công khá nhiều dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ nhưng mấy tháng sau quay lại dự án, công trình vẫn chẳng khác gì lúc mới khởi công. Đây chính là sự lãng phí rất lớn vì công trình, dự bị chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác và sẽ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vì cả trăm lý do”, ông Sơn phát biểu.

“Thử liệt kê xem hiện nay có bao nhiêu công trình, dự án bị dừng lại; bao nhiêu khu đô thị bị treo lại; bao nhiêu khu công nghiệp để cỏ mọc… Đây chính là sự lãng phí rất lớn. Còn sự lãng phí nữa khó có thể cân đo đong đếm được như việc tổ chức đào tạo hàng trăm người sửa xe máy, nấu ăn… trong phạm vi một xã”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Kim Khoa tiếp lời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư