Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Trung Nam đột phá với năng lượng xanh
Hoàng Minh - 22/06/2021 09:34
 
Sau những dấu ấn trong các dự án năng lượng tái tạo gần đây, Trung Nam Group đang nhằm tới đích năm 2027 sẽ đưa thêm 10 GW hòa lưới hệ thống điện quốc gia.

Chạy đua với gió

Ở thời điểm này, Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha, thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk), công suất thiết kế 400 MW, với quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV đang guồng chân để về đích như kế hoạch.

Nếu chỉ làm 1 nhà máy điện và nghỉ không làm nữa thì không cần bán, cứ thế mà khai thác lâu dài. Nhưng nếu tiếp tục đầu tư vào ngành này thì phải bán bớt đi để có tiền làm tiếp cái mới, đi xa hơn.

Việc chuyển nhượng cổ phần là bình thường, đừng lúc nào cũng nghĩ bán là tiêu cực. Tôi làm Dự án ra tới sản phẩm, lúc đó giá trị gia tăng trên sản phẩm lớn thì tôi chuyển nhượng và lại tiếp tục đầu tư mới vì đã có sẵn kinh nghiệm, thiết bị, đội ngũ lành nghề trải qua thực tế .

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group

Có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm, Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam do Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, thuộc Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) làm chủ đầu tư.

Không chỉ là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, đây cũng là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam, đã được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh và UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định cho phép đầu tư vào ngày 31/12/2020.

Để đảm bảo tiến độ công trình, quyền lợi của nhân dân vùng dự án và hạn chế tối đa tác động môi trường, mới đây, Công ty Trung Nam Đắk Lắk 1 đã bổ sung hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trực tiếp tại vùng dự án.

Khoản kinh phí hỗ trợ này đang tiếp tục được chủ đầu tư rà soát và hỗ trợ lần lượt đối với từng hộ dân liên quan. Đồng thời, đã có cam kết ký quỹ sửa chữa các đường giao thông bị ảnh hưởng do Dự án và tăng cường phát triển, xây dựng các dự án an sinh xã hội tại huyện Ea H’Leo như tài trợ vốn xây dựng 11 nhà tình nghĩa với tổng giá trị hơn 550 triệu đồng; các nhà văn hóa của 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang được vào chương trình trách nhiệm an sinh xã hội và sẽ thực hiện trong năm 2021; thi công 1,5 km đường bê tông trên địa bàn thôn 8, xã Ea Khal để trao tặng địa phương.

Khi dự án đi vào vận hành, người dân sẽ thụ hưởng trực tiếp hơn 54 km đường giao thông từ tuyến đường của dự án.

Song song với việc hỗ trợ, chia sẻ với người dân vùng dự án bị ảnh hưởng, Trung Nam Đắk Lắk 1 cũng đã kiểm tra quy trình làm việc của các đơn vị thi công và chấn chỉnh, phạt hoặc thậm chí cắt hợp đồng đối với những đơn vị thi công vi phạm cam kết, làm ảnh hưởng đến người dân.

Không chỉ guồng chân, chạy đua ở Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, ở giai đoạn này, Trungnam Group đang khẩn trương thi công 2 dự án điện gió khác là Phước Hữu Ninh Thuận (50 MW) và Trà Vinh (hơn 100 MW) để đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021, kịp được hưởng mức giá điện theo quy định.

“Cuộc đua này có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với kinh nghiệm và sự chuẩn bị tốt từ nhân lực, vật lực và đội ngũ chuyên gia hùng hậu đến từ Enercon, Siemens, cùng sự tâm huyết của kỹ sư Việt Nam, chúng tôi chắc chắn sẽ về đích”, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam khẳng định.

Dự án Điện gió Thuận Nam
Dự án Điện gió Thuận Nam

Cùng nhau để đi xa

Trước loạt dự án điện gió đang xây dựng để về đích ngay trong năm 2021, Trungnam Group đã ghi dấu ấn ở nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn. Không chỉ là 2 dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, với tổng công suất trên 360 MW, trong danh mục của Trungnam Group còn có Nhà máy Điện gió Thuận Nam, bao gồm 45 trụ tua-bin với tổng công suất gần 152 MW, lớn nhất trong các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành tính tới thời điểm hiện nay.

Đặc biệt, Trungnam Group cũng trở thành nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của Việt Nam xây dựng và đưa trạm biến áp và đường dây 220/500KV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đi vào hoạt động thành công trong năm 2020.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay, Trungnam Group đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng lượng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10 GW hòa lưới hệ thống điện quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu, Trungnam Group đã chọn cho mình con đường để đi xa hơn. Đây cũng là điểm xuất phát cho quyết định bán cổ phần tại một số nhà máy năng lượng tái tạo mới đây.

Vào giữa tháng 4/2021, Trungnam Group đã ký kết chuyển nhượng 35,1% cổ phần của Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nam, công suất 152 MW, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, cho Công ty Hitachi Sustainable Energy, thành viên của Công ty Hitachi đến từ Nhật Bản.

Trước đó hơn một tuần, Trungnam Group cũng ký thỏa thuận bán 49% cổ phần của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc, có công suất 204 MW và tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, cho Công ty Kỹ thuật công nghiệp Á Châu.

Chia sẻ việc bán cổ phần này, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết: “Trungnam Group sẽ không chuyển nhượng trên 51% cổ phần vì chúng tôi có các công ty thành viên trong hệ sinh thái đủ điều kiện để làm chủ, vận hành tất cả các nhà máy điện”.

Tại Nhà máy Điện gió Thuận Nam, sau khi bán cổ phần cho Hitachi Sustainable Energy, Trungnam Group vẫn sở hữu 64,9% cổ phần, từ đó sẽ tiếp tục giữ vai trò quyết định trong việc điều hành và định hướng phát triển của dự án này.

Tuy nhiên, Hitachi Sustainable Enery cùng với các công ty thành viên trong Công ty Hitachi Nhật Bản đang vận hành 30 công ty điện gió tại Nhật Bản chắc chắn sẽ mang tới nhiều kinh nghiệm tốt nhằm làm hiệu quả việc vận hành các dự án điện gió của Trungnam Group.

Theo ông Tiến, các tập đoàn lớn trên thế giới ở mảng năng lượng tái tạo thường có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ và quản lý tốt, cũng như khả năng quy tụ các doanh nghiệp lớn cùng ngành. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thường đơn thương độc mã nên không ít doanh nghiệp sau khi tìm được cơ hội là chuyển nhượng ngay cho đối tác ngoại.

Lãnh đạo Trungnam Group cũng khẳng định, các quy định của pháp luật hiện hành không cấm các nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần dự án hay tỷ lệ chuyển nhượng, ngoại trừ ở một số lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài được quy định trong luật. 

Trên con đường này, Trung Nam Group cũng xác định rõ không bán cổ phần chi phối và không bao giờ bán cho những đối tác có vốn không rõ ràng hoặc không hòa thuận với mình.

“Chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp nội là các công ty mạnh và có thể liên kết lâu dài, hoặc bán cổ phần cho những đối tác có nền tảng thật sự tốt từ Nhật Bản như Hitachi, châu Âu và Mỹ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Với cách này, Trungnam Group xác định đầu tư hoàn chỉnh mới tính tới việc chuyển nhượng một phần, hợp tác chiến lược với doanh nghiệp khác.

“Việc bán bớt cổ phần tại một số dự án cho những đối tác có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm một mặt sẽ giúp chính dự án phát triển mạnh hơn, mặt khác, giúp Trungnam Group có thêm nguồn lực tài chính để tiếp tục con đường đầu tư dự án mới, đi xa hơn với lĩnh vực năng lượng xanh còn rất nhiều tiềm năng này”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Trungnam Group bàn giao trường 66 tỷ đồng cho ngành giáo dục Ninh Thuận
Ngày 5/9, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Trungnam Group tổ chức lễ bàn giao trường và khai giảng năm học mới 2019 – 2020 tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư