Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trung Quốc: Các nhà xuất khẩu "than thở" vì nhu cầu lao dốc ngay mùa cao điểm
Đông Phong - 11/09/2022 11:49
 
Xuất khẩu suy yếu trong tháng 8 khiến các hãng vận tải ở Trung Quốc phải vật lộn tìm nguồn hàng cho mùa cao điểm trước kỳ nghỉ cuối năm của phương Tây.
Tàu container vào làm hàng tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Tàu container vào làm hàng tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

"Trên thực tế, chúng tôi đang chứng kiến sự sụt giảm bất thường", đại diện giấu tên của một hãng vận chuyển có trụ sở tại tỉnh Giang Tô nói với tờ South China Morning Post (SCMP).

Vị này lý giải: "Nhu cầu vận chuyển của các khách hàng nhìn chung đang giảm mạnh".

Trong khi đó, một hãng vận tải khác có trụ sở tại thành phố Thiên Tân cho biết giá cước vận chuyển gần đây đã lặn sâu.

Nhu cầu xuất khẩu suy yếu được phản ánh qua việc tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại, giảm còn 7,1% trong tháng 8, so với mức tăng trưởng 18% trong tháng 7. Đáng nói, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, xuất khẩu sang Mỹ đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm qua và sự giảm tốc kéo dài của xuất khẩu có thể tiếp tục đe dọa kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc vốn đã suy yếu trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và rủi ro suy thoái.

Theo Công ty dữ liệu vận tải Freightos Baltic Index, cước cước vận tải container 40 feet giao ngay từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ đã giảm 20% còn 4.345 USD trong tuần qua, thấp hơn 79% so với cùng kỳ năm trước. 

"Sự sụt giảm này là do nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm, do một số nhà nhập khẩu vẫn còn lượng lớn hàng tồn vì lạm phát làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng, và do xu hướng chuyển sang tiêu thụ các loại hàng hóa khác và dịch vụ khi đại dịch lắng xuống", ông Judah Levine, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Freightos phân tích.

Hơn nữa, "nhiều nhà bán lẻ đã rút đơn đặt hàng ngay mùa cao điểm trong năm nay để tránh bị giao hàng chậm trễ", đại diện Freightos nói thêm.  

Tương tự, giá cước vận tải từ châu Á đến Bắc Âu cũng sụt giảm trong tuần này sau khi ổn định được 4 tháng qua. Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu và khối lượng hàng hóa trên tuyến này đều giảm.

"Để ứng phó tình hình, các hãng vận tải biển cũng đang hủy bỏ các chuyến hàng", ông Judah Levine cho biết.

Theo Chỉ số giá cước vận chuyển thế giới (WCI) do Công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry công bố, giá cước vận tải từ Thượng Hải đến Los Angeles đã giảm 14% xuống 4.782 USD/container 40 feet trong tuần qua. Công ty Drewry dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục giảm trong vài tuần tới.

Xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc đều sụt giảm trong tháng 8. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 11% trong tháng 7, còn tăng trưởng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu chỉ đạt 11,1%, so với mức tăng trưởng ấn tượng 23,2% trong tháng 7.

Mặt khác, đơn đặt hàng mới - một chỉ số phụ của Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất chế tạo - đã giảm xuống dưới 50 điểm kể từ tháng 5/2021. Điều này có nghĩa là tình trạng sụt giảm đơn hàng mới đã kéo dài 16 tháng qua.

Xuất khẩu đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn các hoạt động sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới.

Năm 2021, xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ đóng góp 21% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và tỷ trọng này đã tăng lên gần 36% trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang xấu đi trong khi nhu cầu hàng hóa Trung Quốc của các nước đang bị hạn chế do lạm phát toàn cầu tăng cao, với giá năng lượng tăng sốc vì chiến sự Nga - Ukraine.

Xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại được cho là sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ và các biện pháp phong tỏa chống dịch kể từ đầu năm, trong khi thị trường bất động sản nước này đang trong khủng hoảng còn chi tiêu tiêu dùng trong nước suy yếu, tờ South China Morning Post bình luận.

Theo ông Hong Hao, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ đầu cơ Grow Investment, về cơ bản, không còn nghi ngờ gì về việc xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại và khó có thể cải thiện trong thời gian tới.

"Bước ngoặt đã qua đi", ông Hong Hao nhận định, đồng thời dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ "đi ngang" trong thời gian tới và tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2022 sẽ không vượt quá 3%.

Ông Lloyd Chan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết nhu cầu hàng hóa bị dồn nén sau khi chấm dứt lệnh phong tỏa chống dịch ở Thượng Hải cũng đang mờ nhạt dần, khiến động lực tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm.

Còn theo các nhà kinh tế của Nomura, Trung Quốc có thể buộc phải thay đổi chính sách đối nội để hỗ trợ nền kinh tế.

"Xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong hai năm qua đã tạo cho Bắc Kinh một số dư địa để theo đuổi các mục tiêu chính sách khác. Sự sụt giảm nhanh chóng của tăng trưởng xuất khẩu có thể buộc Bắc Kinh phải xem xét lại lập trường chính sách của mình đối với lĩnh vực bất động sản, chiến lược zero-Covid, thương mại điện tử và các lĩnh vực khác", các nhà kinh tế của Nomura đánh giá. "Và, về phương diện này, tăng trưởng xuất khẩu suy yếu có thể không phải là điều xấu", phía Nomura nhận định.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 4 năm qua
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm tháng thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, theo số liệu chính thức từ Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư