Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Phú Yên
Trường kỳ với nông nghiệp công nghệ cao
Hà Minh - 15/06/2016 21:16
 
Những mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại tỉnh Phú Yên bước đầu đã có hiệu quả tích cực. Đây là cơ sở để lãnh đạo địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này.

Những mô hình hiệu quả

Thành lập năm 2006, Doanh nghiệp Tư nhân Thủy sản Đắc Lộc hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, mua bán thủy hải sản, kinh doanh thức ăn - thuốc và vật tư nuôi trồng thủy sản... Trong đó, sản xuất giống thủy sản là thế mạnh.

Vấn đề con giống thủy sản sạch được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Năm 2013, Đắc Lộc xây dựng mô hình Ương nuôi Green House theo quy trình Biofloc mang lại hiệu quả cao. Đây là 1 trong 5 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản đoạt giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ II, năm 2015 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Mô hình trồng ngô lai ứng dụng công nghệ cao tại Phú Yên do Công ty TNHH XNK Vạn Thắng và Tập đoàn Invivo (Pháp) thực hiện. Ảnh: Hà Minh
Mô hình trồng ngô lai ứng dụng công nghệ cao tại Phú Yên do Công ty TNHH XNK Vạn Thắng và Tập đoàn Invivo (Pháp) thực hiện. Ảnh: Hà Minh

Mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục được Bộ NN & PTNT trao Chứng nhận doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, được cấp chứng nhận  doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh áp dụng tiêu chuẩn Thực hành tốt toàn cầu (Global GAP).

Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo Mô hình trồng bắp lai trên đất màu với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương và nông dân 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Bắp lai cho năng suất từ  8 đến 10 tấn/ha, 1 ha bắp nông dân lãi ròng 14 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa. Bên cạnh đó, mô hình còn tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn hạn chế sâu bệnh.

Mô hình được UBND tỉnh Phú Yên ký kết với Tập đoàn InVivo (Pháp) và Công ty TNHH Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vạn Thắng, nhằm chuyển   đổi diện tích lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng bắp mang  hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Phú Yên đang xem xét, cho phép các địa phương nhân rộng mô hình  này trên đất lúa chuyển đổi với quy mô lớn, đáp ứng bắp hạt thương phẩm và các phụ phẩm thương mại cho các nhà sản xuất chế biến.

Cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất, từ năm 2016 đến 2020, tỉnh sẽ chuyển đổi khoảng 2.000 ha đất canh tác lúa sang cây trồng có thị trường tiêu thụ, lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao, trong đó, bắp chiếm 1.200 ha. Qua đây, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã tập trung các nguồn lực đầu tư gần 23 tỷ đồng cho hạ tầng, chủ yếu mạng lưới giao thông trong Khu nông nghiệp  công nghệ cao (KNN CNC).

Hiện nay, KNN CNC tỉnh Phú Yên đang triển khai lập thủ tục đầu tư 2 dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp giai đoạn 1 và Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên; Ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào KNN. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã thu hút được 7 dự án vào KNN CNC, trong đó có 4 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai lập thủ tục đầu tư và 1 dự án đã có chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, Phú Yên cũng nhìn nhận thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này chưa được chú trọng nên hiệu quả còn thấp. Việc huy động, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác chưa được thực hiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ... Công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ triển khai thực hiện còn chậm. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng còn quá ít so với nhu cầu, chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội…

Theo ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, để đạt mục tiêu năm 2020 xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật trong KNN CNC tương đối đồng bộ, thu hút được nhiều nguồn vốn, nhân lực, công nghệ chất lượng cao trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp, tỉnh sẽ tích cực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KNN CNC Phú Yên. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thành dự án cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp giai đoạn 1, gồm: Hệ thống thủy lợi Lỗ Chài, đường giao thông trục chính, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải, một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác và dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên…

Dẫn vốn vào nông nghiệp công nghệ cao
Việc nhiều địa phương “xuất quân” rầm rộ kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cùng sự hưởng ứng của những “sếu đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư