Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Truy xuất nguồn gốc các lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo
Thế Hải - 23/03/2024 15:04
 
30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc đã bị cảnh báo bởi Tổng cục Hải quan nước này.
xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm
30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và quy định của Việt Nam, cơ quan này đề nghị các doanh nghiệp  có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp như cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng.

Các doanh nghiệp cần khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm, sau đó gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.

Các đơn vị thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.

Báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan cũng phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 3/4, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.

Năm 2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã được ký kết. Theo đó, quả sầu riêng Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường tỷ dân.

Theo quy định tại Nghị định thư, quả sầu phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. Các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc chi 2,1 tỷ USD để mua 493.000 tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư