Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 04 tháng 08 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
T&T Group đầu tư công viên dược; Đèo Cả lãi kỷ lục; Novaland "về bờ"
Khánh Linh - 04/08/2024 08:02
 
T&T Group phát triển công viên dược; Đèo Cả báo lãi quý II cao kỷ lục; Hoà Phát rót hơn 42.000 tỷ đồng vào Dung Quất 2; Novaland hoàn thành cơ cấu phần lớn khoản nợ; Quốc Cường Gia Lai có quý lỗ nặng nhất trong 12 năm...

Novaland hoàn thành cơ cấu phần lớn khoản nợ, còn cách bờ 1 đoạn

Thông tin được cập nhật từ ông Dương Văn Bắc, Giám đốc Tài chính Novaland, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu Tập đoàn ước đạt 7.056 tỷ đồng (bao gồm cả doanh thu tài chính), lợi nhuận sau thuế đạt 345 tỷ đồng.

Aqua City dự kiến đầu tháng 8/2024 sẽ hoàn tất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung

Trong quý đầu năm nay, Novaland ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỷ đồng, như vậy ước tính quý II/2024, Novaland đạt khoảng 945 tỷ đồng lợi nhuận, tích cực hơn con số lỗ hơn 200 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Novaland đã hoàn thành cơ cấu phần lớn các khoản nợ, có những chuyển biến tích cực về tình hình tài chính, pháp lý dự án, tiến độ xây dựng và bàn giao.

Về tình trạng pháp lý các dự án, dự án The Grand Manhattan đang chờ kết luận cuối cùng sau khi được tổ công tác Chính phủ và chính quyền TP.HCM quan tâm tháo gỡ pháp lý. Tại Aqua City (Đồng Nai), dự kiến đầu tháng 8/2024 sẽ hoàn tất việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Biên Hòa khu C4 và một phần khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tại NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), tiếp tục xây dựng hàng loạt và bàn giao 243 sản phẩm đến cuối năm 2024. Đối với NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), dự án đã hoàn tất Quy hoạch chi tiết 1/500, có 1.111 sản phẩm đã được bàn giao...

“Từ năm ngoái đến giờ chúng tôi đang bơi miệt mài, nhưng để bơi về bờ còn một đoạn nữa. Cuộc đua nào cũng vất vả nhất ở đoạn cuối cùng, càng gần đến cuối thì áp lực càng lớn” ông Dương Văn Bắc ví von về cuộc tái cấu trúc của Novaland.

Cũng theo ông Bắc, có 4 nhiệm vụ trọng yếu mà Tập đoàn sẽ thực hiện để có thể hoàn tất công tác tái cầu trúc.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp lý để triển khai thi công xây dựng các dự án đang phát triển; khôi phục niềm tin và thực hiện cam kết với khách hàng. Novaland đang có tổng giá trị khoản phải thu là 100 ngàn tỷ đồng từ các dự án đang triển khai, do vậy khi xử lý được công tác pháp lý để thu được dòng tiền từ khách hàng thì có thể giải quyết được phần lớn câu chuyện về tài chính.

Thứ hai, tập trung xây dựng, bàn giao nhà để thu tiền từ các sản phẩm đã bán.

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu nợ/huy động vốn mới với các ngân hàng và định chế tài chính liên quan.

Cuối cùng, hoàn thiện pháp lý các dự án dự kiến phát triển để chuẩn bị nguồn cung mới cho thị trường giai đoạn 2026 trở về sau.

“Những dự án đang hiện hữu giúp chúng ta xử lý được các vấn đề hiện tại, còn các dự án (trong quỹ đất) đang xử lý pháp lý sẽ giúp Novaland thay đổi trạng thái: Từ trạng thái tái cấu trúc sang trạng thái mới. Do đó, việc hoàn thiện pháp lý là mục tiêu trọng tâm”, ông Bắc nói thêm.

Hoà Phát rót hơn 42.000 tỷ đồng vào Dung Quất 2

Theo báo cáo quý II, Tập đoàn Hòa phát đã đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất 2 (Dung Quất 2).

Quý II, Hoà Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 39.556 tỷ đồng

Với quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, dự án này đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của Hoà Phát. Tính đến cuối quý II/2024, tiến độ dự án đã đạt 80% ở phân kỳ I và 50% ở phân kỳ II. Tập đoàn kỳ vọng sẽ có những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 ra mắt thị trường vào cuối năm 2024.

Đáng chú ý, chỉ trong vòng một quý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hoà Phát đã tăng hơn 15.000 tỷ đồng, phần lớn là vốn rót thêm vào Dung Quất 2. Đây cũng là quý Hoà Phát chi đầu tư mạnh mẽ nhất cho Dung Quất 2.

Khi hoàn thành, Dung Quất 2 sẽ nâng tổng năng lực sản xuất thép thô của Hoà Phát lên trên 14 triệu tấn/năm, đưa tập đoàn vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Về kết quả kinh doanh quý II, Hoà Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 39.556 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt gần 3.320 tỷ đồng, tăng 127%. Kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu tăng mạnh, biên lợi nhuận cải thiện và chi phí tài chính giảm.

Quốc Cường Gia Lai có quý lỗ nặng nhất trong 12 năm

Theo Báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng, mức lỗ nặng nhất trong 12 năm qua. Doanh thu quý II chỉ hơn 26 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Giá vốn 32 tỷ đồng, làm lỗ gộp gần 6 tỷ đồng.

Theo Công ty, doanh thu giảm do thị trường bất động sản nói chung còn nhiều khó khăn. Quý II hàng năm cũng chưa vào mùa mưa, nên sản lượng điện khai thác còn thấp. Cùng với đó, cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5 dẫn đến doanh thu giảm so với cùng kỳ...

Kết quả, Quốc Cường Gia Lai lỗ ròng 16,4 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 11,4 tỷ đồng cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp lỗ ròng 15 tỷ đồng; còn doanh thu giảm 69%, ghi nhận hơn 65 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm nay, Quốc Cường Gia Lai kỳ vọng lãi trước thuế 100 tỷ đồng. Doanh thu mục tiêu 1,3 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm 2023, nhưng sau nửa năm mới thực hiện được 5%.

Đèo Cả báo lãi quý II cao kỷ lục

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 với lãi ròng cao kỷ lục gần 106 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Đèo Cả thực hiện được 60% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng.

Trong nửa đầu năm, HHV đã hoàn thành dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Hai mảng đóng góp chính là doanh thu các trạm thu phí BOT gần 486 tỷ đồng và hoạt động thi công xây lắp hơn 302 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 58%.

Cộng với kết quả quý đầu năm, doanh thu thuần 6 tháng của ông lớn thi công hạ tầng đạt gần 1.504 tỷ đồng, tăng 31% và lãi ròng 202 tỷ đồng, tăng 20% so với nửa đầu năm 2023.

So với kế hoạch 3,146 tỷ đồng doanh thu và 404 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2024, Công ty đi được lần lượt 48% và 59% sau nửa đầu năm.

Nếu tính riêng hoạt động thi công xây lắp, HHV đạt gần 499 tỷ đồng doanh thu, tăng 52% so với cùng kỳ, đóng góp 33% vào tổng doanh thu 6 tháng đầu năm. Đây được xem là “quả ngọt” của HHV khi được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công trên khắp cả nước.

Kết quả khả quan trong quý II đã giúp tổng tài sản HHV tại thời điểm 30/06/2024 tăng 3% so với đầu năm, lên hơn 38.027 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn tập trung ở dạng tài sản dài hạn chiếm 96%, ở mức 36.667 tỷ đồng; Công ty đang nắm giữ gần 405 tỷ đồng các khoản tiền và tương đương tiền, tăng 37% so với đầu năm.

Nợ phải trả không biến động so với đầu năm còn 28.077 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở vay tài chính dài hạn với gần 19.050 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm.

T&T Group hợp tác với doanh nghiệp Ấn phát triển công viên dược tại Việt Nam

T&T Group và Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án công viên dược công nghệ cao theo mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam. Lễ ký diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ, ngành hai nước.

T&T Group và Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) ký hợp tác đầu tư phát triển dự án công viên dược

Theo đó, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Ramky (Công ty TNHH Hạ tầng Ramky) sẽ hợp tác cùng nghiên cứu và phát triển một Khu công nghiệp dược định hướng công nghệ cao, hiện đại và đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng tại Việt Nam.

Chia sẻ về hợp tác này, ông Nguyễn Ngọc Nghị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, dự án công viên dược sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, khu công nghiệp dược sẽ giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu đối với các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng. Bên cạnh đó, các công viên dược cũng góp phần đa dạng hóa các chuỗi sản xuất, thu hút dòng vốn FDI lớn vào đất nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp dược, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp dược tại Việt Nam.

Theo đại diện Tập đoàn Ramky, việc thành lập một khu công nghiệp dược chuyên dụng tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo tự chủ nguồn cung cấp dược phẩm và phát triển các nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của quốc gia. Với kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực của Ramky Group trong việc phát triển, duy trì cơ sở hạ tầng công nghiệp và môi trường cần thiết cho một dự án công viên dược, Ramky Group mong muốn được hợp tác cùng T&T Group để thực hiện một dự án như vậy tại Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Tập đoàn T&T Group và Công ty TNHH Hạ tầng Ramky đã trao thỏa thuận hợp tác nguyên tắc để cùng góp vốn phát triển, xây dựng và vận hành dự án Nhà máy xử lý chất thải tại Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ cùng góp vốn để thực hiện dự án theo tỷ lệ cổ phần sở hữu, tương đương 50% mỗi bên; đồng thời tìm kiếm nguồn vốn vay trong nước và quốc tế phù hợp với nhu cầu của dự án để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất. Trong thời gian tới, T&T Group và Ramky sẽ hoàn thành nốt các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện dự án.

Tập đoàn Ramky được thành lập vào năm 1994, tại Hyderabad, Ấn Độ và đã trở thành một trong những công ty hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý môi trường.

Hòa Phát đạt 3.320 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2024
Quý II/2024, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 39.936 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 3.320 tỷ đồng, tăng 1.872 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư