Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Từ Đèo Cả đến Hải Vân: Tầm vóc mới của nhà đầu tư Việt
Ngọc Tân - 03/01/2017 09:50
 
Năm 2016 là một năm đáng nhớ trên hành trình chinh phục những tầm cao mới của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, từ thông kỹ thuật công trình hầm đường bộ Đèo Cả, đến bắt tay thực hiện Dự án Nâng cấp mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Điều này đã cho thấy tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập vươn ra biển lớn.
Công trình hầm đường bộ Đèo Cả khẳng định trình độ mở hầm xuyên núi của Việt Nam.
Công trình hầm đường bộ Đèo Cả khẳng định trình độ mở hầm xuyên núi của Việt Nam.

Năm của những công trình hầm

Ngày 31/7/2016 có thể coi là một cột mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành và phát triển của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả. Trong cuộc hành trình mở hầm xuyên núi, công trình hầm đường bộ Đèo Cả đã chính thức được thông suốt kỹ thuật sau gần 4 năm thi công. Sự kiện đánh dấu việc nhà đầu tư - nhà thầu Việt Nam đã tự mình làm chủ được công nghệ tiên tiến và thực hiện thành công một dự án xuyên núi dài hơn 4,1 km.

Theo thiết kế, Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có tổng vốn đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng, trong đó, công trình hầm đường bộ Đèo Cả chiều dài 4,1 km. Hầm được thiết kế gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30 m, trang bị hệ thống hiện đại gồm đèn chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy... Hầm có 2 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80 km/h, có thể chịu được động đất cấp 7. Dự án được khởi khoan vào tháng 12/2013, với mục đích xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, mở rộng tuyến đường mới của Khánh Hòa và rút ngắn khoảng cách, thời gian cho xe qua khu vực này. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017, tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của chủ đầu tư và nhà thầu thi công, công trình đã hoàn thành trước thời hạn 3 tháng.

Với việc thông kỹ thuật công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: "Hầm Đèo Cả đưa vào hoạt động, giúp xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung, Tây Nguyên và toàn khu vực".

Tiếp nối thành công từ công trình hầm đường bộ Đèo Cả, ngày 8/7/2016, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tiếp tục khởi động thi công hạng mục Nâng cấp mở rộng hầm Hải Vân, hay còn gọi là Dự án hầm Hải Vân 2 (đây là một trong những hạng mục công trình thuộc Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả)

Theo đề án đã được phê duyệt, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả sẽ thực hiện mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân với quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT. Cụ thể, hạng mục hầm Hải Vân (bao gồm sửa chữa, nâng câp hầm Hải Vân 1 và đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân; đầu tư xây dựng mở rộng hầm Hải Vân 2 và đường dẫn) có tổng mức đầu tư là 7.295,78 tỷ đồng. Đoạn tuyến nối Nam Hải Vân – Hoà Liên có kinh phí là 353 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn Hải Vân dài 6,2 km với 4 làn xe; cùng với đó, sẽ xây dựng đường dẫn phía bắc dài 2,1 km và đường dẫn phía nam dài 4,3 km. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đèo Cả cho biết, đến nay, công tác triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng hầm đường bộ Hải Vân nhìn chung đảm bảo tiến độ đã đề ra, dự kiến đầu tháng 12/2016 sẽ chính thức khởi công hạng mục nâng cấp mở rộng hầm.

Đánh giá về dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Dự án hầm Hải Vân 2 sẽ là một bước đột phá mới về công nghệ, đây là sự khẳng định khả năng, trình độ về công nghệ triển khai xây dựng hầm đường bộ đã phát triển vượt bậc của Việt Nam đối với thế giới.

Hành trình chinh phục công nghệ xuyên núi

Có thể nói, việc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đảm trách và thực hiện thành công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã mở ra một chương mới cho nhà đầu tư và nhà thầu trong nước trên hành trình chinh phục đỉnh cao công nghệ xuyên núi, vốn chỉ dành riêng cho những nhà thầu ngoại.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẳng định: “Ý nghĩa của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả vượt ra ngoài những số đo và các phép tính thông thường về lợi ích kinh tế. Đây là một minh chứng của khát vọng cống hiến và quyết tâm vượt qua thách thức, vươn tới tầm cao của chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư, thi công xây dựng hầm đường bộ có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật, lĩnh vực mà từ trước tới nay, chúng ta luôn phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ, nhà thầu thi công của nước ngoài".

Để gặt hái được những thành công lớn lao trên, suốt chặng đường đã qua, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã trải qua những chặng đường gian nan, chông gai và không kém phần khốc liệt. Tuy vậy, với định hướng đúng đắn, đặc biệt là niềm tin vào những con người trẻ tuổi, đã giúp Công ty chinh phục được những đỉnh cao mới.

Còn nhớ, lần đầu tiên nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng đến thăm Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ông đã không khỏi bất ngờ với bộ máy quản lý một dự án có quy mô vốn lên đến 15.600 tỷ đồng và là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, mà đại đa số là những cán bộ, kỹ sư trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x. Điều đáng ghi nhận đó chính là việc những con người trẻ tuổi ấy đã và đang thực hiện “trơn tru” dự án với một tiến độ rất đảm bảo.

Tổng giám đốc Hồ Minh Hoàng, một CEO thế hệ 7x cho rằng, điểm mạnh của sức trẻ chính là sự nhiệt huyết, tính sáng tạo và đam mê nghề nghiệp. Với một dự án phức tạp như hầm đường bộ Đèo Cả, sự đam mê, tính sáng tạo và lòng nhiệt huyết là những yếu tố rất cần thiết để dự án đi đến thành công.

Cũng chính nhờ vào niềm tin, hội tụ cùng sức mạnh và sự sáng tạo của tuổi trẻ, đã giúp dự án tiết kiệm được hơn 4.000 tỷ đồng, để rồi sau đó, số vốn trên được chuyển sang đầu tư tiếp Dự án hầm đường bộ Cù Mông.

Một yếu quyết khác không kém phần quan trọng đối với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đó là sự kết nối hài hòa giữa kinh nghiệm và kiến thức khoa học. Kinh nghiệm đó được quy tụ ở bộ máy cố vấn gồm những giáo sư, tiến sỹ, là “cây đa, cây đề” trong ngành giao thông như GS. Trần Chủng, TS. Hồ Nghĩa Dũng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải).

Theo ông Hoàng, sự thành công của Dự án hầm Đèo Cả trong cách quản lý là nằm ở điểm dung hòa trong cách tiếp cận giữa hai thế hệ. Điều này mang tính kế thừa về kinh nghiệm thực tiễn và tiếp cận công nghệ kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới hiện nay thông qua các kỹ sư trẻ đã học tập ở nước ngoài, điều mà thế hệ trước tuy có bề dày kinh nghiệm, nhưng do điều kiện chưa thể tiếp cận được.

“Sự dung hòa giữa hai thế hệ đã mang đến cho Đèo Cả một tư duy quản lý toàn diện hơn, bù trừ cho nhau và kết quả đã nói lên tất cả điều đó”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Tổng giám đốc Hồ Minh Hoàng cũng tự tin khẳng định, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả không chỉ dừng lại ở Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, mà sẽ còn nhiều dự án khác nữa, độ khó có thể hơn nữa và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh, điều mà Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã mang lại cho đất nước, chính là đào tạo ra được một thế hệ kỹ sư trẻ chuyên về các dự án hầm cho đất nước. “Với điều này, bây giờ chúng ta có thể làm được những việc mà trước đây muốn làm phải thuê nước ngoài”, ông Hải nhấn mạnh.

Toàn cảnh Lễ thông hầm Đèo Cả vừa diễn ra
Sáng nay, Lễ thông hầm Đèo cả đã được tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư