Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tư duy cát cứ cản Luật Đầu tư công
Khánh An - 30/09/2013 07:52
 
Tư duy cát cứ trong tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật của nhiều bộ, ngành đang gây khó cho Dự án Luật Đầu tư công.
TIN LIÊN QUAN

Phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (diễn ra cuối tuần qua tại TP. Huế) trở nên căng thẳng khi các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 của Dự án được nhắc tới.

Xem ra, rào cản từng khiến dự luật này liên tục lỗi hẹn kể từ khi bắt đầu nghiên cứu vào năm 2007, nay lại xuất hiện.

Tư duy cát cứ trong tiếp cận văn bản pháp luật của nhiều bộ, ngành đang gây khó cho Dự án Luật Đầu tư công

Thậm chí, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đăng đàn thẳng thắn “gọi tên” một phần lý do làm Dự án Luật Đầu tư công tiến triển chậm nhiều năm qua là sự phản đối của các bộ, khi một số bộ cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật này chồng chéo lên mảng việc họ đang quản lý.

Trên thực tế, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu…

Như vậy, việc phân định một cách rõ ràng phạm vi điều chỉnh của các văn bản luật, tránh chồng chéo là vô cùng khó khăn.

“Nhưng những lấn cấn giữa các bộ với nhau khiến cách tiếp cận của Dự án Luật Đầu tư công càng khó hơn”, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận.

Hơn thế, các đại biểu Quốc hội cũng nhìn thấy sự lấn cấn này đang biến nhiều văn bản luật trở thành “luật của các bộ”. “Không thể vì né tránh mà phạm vi của Dự thảo Luật Đầu tư công phải loại trừ theo kiểu cái gì đang thuộc Luật Xây dựng thì Dự thảo Luật Đầu tư công dẫn chiếu. Phải nói rõ, năm 2003, khi ban hành Luật Xây dựng, các luật liên quan đến các nội dung như đầu tư, đấu thầu chưa có, nên luật này buộc phải xử lý hết. Khi đó, quy chế đầu tư xây dựng cơ bản cũng được ban hành, bởi chưa có các văn bản quy phạm liên quan đến đầu tư”, ông Phúc nhắc lại.

Có vẻ đây cũng là lý do mà ông Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính khi góp ý cho Dự thảo đã cho rằng, phần giải thích từ ngữ về vốn đầu tư công chưa rõ và không thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước.

Theo đó, phạm vi đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật Đầu tư công xét về phạm vi nguồn vốn rộng hơn Luật Ngân sách nhà nước.

Một điểm đặc biệt cần phải nhắc tới là, cùng thời điểm Dự án Luật Đầu tư công được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra, thì Dự án Luật Xây dựng sửa đổi cũng đang được Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra. Những tranh luận về việc có nên đưa hoạt động đầu tư xây dựng vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi hay không xem ra vẫn chưa ngã ngũ.

“Những gì liên quan đến đấu thầu thì có Luật Đấu thầu; liên quan đến đầu tư công, chủ trương, kế hoạch đầu tư, vốn đầu tư… thì quy định tại Dự án Luật Đầu tư công. Dự thảo Luật Xây dựng chỉ quy định các vấn đề của hoạt động xây dựng, mang tính kỹ thuật xây dựng để đúng với tính chất của luật này”, ông Phúc đề cập cụ thể khi bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất đưa hoạt động đầu tư xây dựng thành một nội dung của Dự án Luật Xây dựng sửa đổi.

“Hai cơ quan của Quốc hội cũng phải có sự phối hợp với nhau trong quá trình thẩm tra các dự án luật”, ông Phúc đề nghị để tránh tình trạng chồng chéo.

Cần phải nói thêm, đây cũng là lý do mà yêu cầu số 1 trong số 11 điểm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra cho cơ quan soạn thảo phải hoàn thiện thêm sau khi cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (vào đầu tuần trước) là tính thống nhất giữa dự án luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Các yêu cầu tiếp theo là quy định phải rõ ràng, minh bạch để người dân giám sát, đảm bảo định hướng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước không bị cắt khúc, rời rạc…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư