Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Từ năm 2020, chi tiêu qua ví điện tử không quá 100 triệu đồng/tháng
Thùy Liên - 29/11/2019 15:25
 
Ngân hàng Nhà nước quy định, ví điện tử vẫn phải liên thông với tài khoản ngân hàng, tổ chức cung ứng ví điện tử không được sử dụng ví điện tử để huy động hoặc cho vay vốn.
a
NHNN nghiêm cấm cho thuê, cho mượn ví điện tử và cấm huy động, cho vay vốn qua ví điện tử

Tổ chức cung ứng ví không được tiêu tiền của chủ tài khoản ví

NHNN vừa ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo đó, Thông tư quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử không được sử dụng chung với tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và phải tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng hợp tác.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm.

Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử chỉ được sử dụng vào việc thanh toán vào tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của đơn vị chấp nhận thanh toán tại ngân hàng hoặc hoàn trả tiền vào tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) trong một só trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, khách hàng rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng.

Thứ hai, khách hàng không còn nhu cầu sử dụng ví điện tử.

Thứ ba, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chấm dứt cung ứng dịch vụ ví điện tử cho khách hàng.

Thứ tư, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chấm dứt hoạt động, bị thu hồi Giấy phép, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, thanh toán vào tài khoản thanh toán của các đơn vị cung ứng dịch vụ công trong trường hợp khách hàng sử dụng ví điện tử để thanh toán, nộp phí, lệ phí cho các dịch vụ công hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, chuyển đến các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.

Không được cấp tín dụng, huy động vốn qua ví, chi tiêu tối đa 100 triệu/ngày

Thời gian qua, nhiều tổ chức cung ứng ví điện tử đề nghị NHNN cho phép mở ví điện tử không cần liên kết với tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Thông tư vừa ban hành của NHNN vẫn yêu cầu ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ ví tại ngân hàng liên kết.  

Khách hàng được sử dụng ví điện tử để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, chuyển tiền do ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở hoặc rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của mình.

Thông tư 23 quy định, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng.

NHNN nghiêm cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử  hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví, trả lãi trên số dư ví hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví.

Thông tư 23/2019/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ 7/1/2020.

Ví điện tử Bảo Kim bị chiếm đoạt 17,6 tỷ đồng, lộ rõ lỗ hổng quản lý
Lợi dụng kẽ hở trong hệ thống quản lý, hai cựu nhân viên của CTCP Thương mại điện tử Bảo Kim, đơn vị sở hữu ví điện tử Bảo Kim đã chiếm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư