Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Từ quản trị start-up đến quản trị công ty: Cần hiểu biết những luật lệ gì?
Trong những năm trở lại đây, không ít start-up tại Việt Nam có “cuộc chia ly” giữa các đồng sáng lập, có những xung đột khi start-up trở thành doanh nghiệp lớn. Hiểu biết pháp lý về quản trị sẽ phần nào giảm bớt các thiệt hại và xây dựng start-up bền vững.
Các start-up thường chuyển mình mạnh sau khi nhận vốn và khi đó, bài toán quản trị công ty phải được đặt ra.
Các start-up thường chuyển mình mạnh sau khi nhận vốn và khi đó, bài toán quản trị công ty phải được đặt ra.

Giai đoạn sáng lập start-up

Các sáng lập viên có thể hùn hạp vốn để triển khai dự án. Vốn ở đây bao hàm cả công sức lao động và ý tưởng nên khi chưa thành lập doanh nghiệp, các cá nhân cũng có thể hợp tác để làm ăn theo mô hình cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể. Tiền hùn hạp có thể được thỏa thuận đưa vào chi phí doanh nghiệp sau này.

Tính chất pháp lý của việc hợp tác tùy thuộc vào mức độ thỏa thuận giữa các bên. Để đảm bảo quyền lợi, các bên nên thẩm định kỹ đồng sáng lập và cần thống nhất bằng văn bản.

Các bên thể hiện sự thống nhất tại Thỏa thuận sáng lập viên để tránh rắc rối có thể phát sinh. Trên thực tế, đã có trường hợp xảy ra như việc góp tiền cho cộng sự và không thu hồi được khi có chuyện; hay sáng lập viên không hợp tác nữa và mỗi người giữ những tài sản của mình. Khi đó, người nào nắm website thì dùng website, người nắm nhân sự thì kéo nhân sự thực hiện dự án mới.

Bản thỏa thuận giữa các sáng lập viên thể hiện điều khoản để có thể vạch ra luật chơi là cần thiết. Thỏa thuận đó bao gồm điều khoản về tài sản, công sức đóng góp, phân công công việc, quyền quyết định, các cam kết, quyền và nghĩa vụ của từng bên, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi nhuận… và cả việc thoái vốn hoặc chấm dứt hợp tác. Thỏa thuận sáng lập viên có thể được dùng là nền tảng để đưa vào điều lệ doanh nghiệp khi các nhà sáng lập thành lập doanh nghiệp.

Tư cách pháp nhân và quyền điều hành

Một phần do thói quen tiêu dùng, tính tiện lợi, giá cả và vấn đề về đóng thuế, nhiều khởi nghiệp gia chọn cách kinh doanh nhỏ lẻ và không thành lập doanh nghiệp.

Chính phủ có quy định các loại hình và quy mô cụ thể cho một số hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Việc thành lập doanh nghiệp để kinh doanh dường như là yêu cầu bắt buộc khi hoạt động kinh doanh đó phát triển. Pháp luật sẽ kiểm soát thông qua người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Khi thành lập doanh nghiệp và có tư cách pháp nhân (trừ hình thức doanh nghiệp tư nhân), các vấn đề về quản trị doanh nghiệp bắt đầu cần được các ông chủ trẻ quan tâm hơn.

Cụ thể là, phân định chủ sở hữu - người điều hành, phân định người đại diện theo pháp luật -người đại diện theo ủy quyền. Việc phân công, phân quyền trong doanh nghiệp do các thành viên tự quyết định, nhưng không được trái với điều lệ đã đăng ký và các quy định pháp luật khác. Các quy định pháp luật khác ở đây là quy định về lao động, về thuế … Ví dụ, việc bổ nhiệm một người làm CEO và trao quyền cho người đó điều hành, nhưng phạm vi công việc thể hiện trên hợp đồng lao động thì người đó chỉ giới hạn trách nhiệm là một người lao động.

Trong các loại hình doanh nghiệp, công ty cổ phần được nhiều start-up quan tâm để thuận tiện cho việc huy động vốn, tuy nhiên cũng cần cân nhắc về tính phân định quyền hành trên cơ sở phần vốn sở hữu được thể hiện rất cao ở loại hình công ty này.

Ví dụ, sau 3 năm kể từ ngày thành lập, các cổ đông có quyền bán cổ phần cho người bên ngoài. Điều này với nhiều start-up có thể là rủi ro vì không biết tại thời điểm đó, start-up đã ổn định hay chưa. Trong cuốn sách “Pháp lý trong kinh doanh – nắm luật chơi để chiến thắng trên thương trường tại Việt Nam”, tác giả cuốn sách (cũng là tác giả bài viết này) khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Sau khi start-up ổn định, các sáng lập viên có thể thay đổi loại hình công ty phù hợp với giai đoạn phát triển đó.

Khi start-up lớn mạnh

Sau giai đoạn phát triển ban đầu để trở thành doanh nghiệp loại vừa hoặc nhận được vốn đầu tư lớn, start-up bắt đầu chuyển mình. Khi đó, bài toán quản trị công ty được đặt ra.

Quản trị công ty có tầm quan trọng rất lớn trong duy trì phát triển ổn định của doanh nghiệp. Cấu trúc của quản trị công ty có nhiều dạng, nhà điều hành cần linh hoạt áp dụng vào doanh nghiệp của mình.

Vấn đề đang được bàn là khi start-up “bất ngờ” lớn mạnh, liệu công tác quản trị công ty có được thực hiện? Nhiều start-up giao hết việc quản trị này cho nhà đầu tư hoặc cố vấn và không ít trường hợp đó được xem là sai lầm.

Quản trị công ty có xuất phát điểm là quan hệ pháp lý và quyền sở hữu, điều hành của các bên liên quan. Chủ sở hữu là người có quyền quyết định cao nhất trong công tác quản trị này. Lẽ vậy mà nếu start-up sau khi nhận vốn đầu tư trao quyền quyết định cho nhà đầu tư thì nên nhớ rằng, mình có thể bị loại trừ, dù ai cũng biết đó là start-up của bạn. Các doanh nhân trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ kiến thức pháp lý và nhờ cố vấn để tránh các xung đột, rủi ro trong điều hành tại giai đoạn chuyển giao.

Từ kinh nghiệm về giải quyết xung đột khi start-up phát triển nhanh thành doanh nghiệp lớn cho thấy, các start-up nên tập trung vào ba điểm sau:

Một là, biết rõ về quyền sở hữu pháp lý đối với doanh nghiệp vào từng thời điểm, trong đó có quyền sở hữu của cá nhân người sáng lập và có chế kiểm soát.

Hai là, việc phác thảo cấu trúc quản trị công ty tùy thuộc vào ý chí của chủ sở hữu và những người điều hành, nhưng không được trái với quy định pháp luật và Điều lệ doanh nghiệp.

Ba là, các yếu tố cấu thành việc quản trị công ty còn liên quan đến các vấn đề pháp lý khác như phân công, phân quyền theo quy định về lao động, thuế thu nhập khi chuyển nhượng vốn … hay các quy định về chứng khoán nếu công ty niêm yết.

Tóm lại, việc thành lập doanh nghiệp hay không, điều đó không quá quan trọng, nhưng không nên đợi có sự cố mới bàn tới quan hệ pháp lý trong start-up.

Bên cạnh các kiến thức về quản trị kinh doanh, cần hiểu biết về pháp lý để điều chỉnh công tác điều hành cho đúng quy định, đảm bảo lợi ích của mình. Sự thông hiểu luật và các thông lệ sẽ giúp doanh nhân trẻ linh hoạt trong điều hành, chớp lấy cơ hội để phát triển start-up thành công.

Ý kiến - Nhận định:

 "Chọn chơi với doanh nghiệp lớn, nhưng không phụ thuộc vào một doanh nghiệp nào"
Ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom

 Với những người chọn kinh doanh để khởi nghiệp, phải chấp nhận thực tế là có thể sẽ mất nhiều lần rơi xuống vực mới tìm được bí kíp thành công. Nếu không chấp nhận thất bại, không dám đối mặt với thất bại thì không nên khởi nghiệp bằng kinh doanh.

Thậm chí, cũng phải xác định rằng, nhiều khi chấp nhận thất bại, nhưng cũng không hẳn sẽ thành công vì trong số hàng nghìn doanh nghiệp làng nhàng thì mới có một vài doanh nghiệp thực sự nổi trội. Trong quá trình… làng nhàng này, có đủ kiên nhẫn và nguồn lực để tìm ra hướng đột phá hay không?

Với cá nhân tôi, khi bắt đầu kinh doanh, tôi chấp nhận sẽ đối mặt với tất cả khó khăn, chọn cách chơi với những người lớn hơn để học cách làm, học chuyên nghiệp, để bám theo thị trường của họ, nhưng không phụ thuộc vào bất cứ một doanh nghiệp nào cả. Vì nếu chọn cách phụ thuộc toàn bộ vào một doanh nghiệp lớn thì cũng phải tính tới khả năng ngày nào đó họ cũng có thể bị “hắt hơi, sổ mũi” và doanh nghiệp của mình chắc chắn sẽ bị vạ lây…

"Giới khởi nghiệp cần các thiết chế hỗ trợ như nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm"
Bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội

Hệ sinh thái khởi nghiệp - sáng tạo đã bắt đầu hình thành, nhưng còn phân tán. Các khái niệm đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, vườn ươm, doanh nghiệp xã hội, đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, gọi vốn công chúng…. chưa được Việt hoá rõ để phân biệt và định hướng đúng cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D).

Nhưng tôi nhận thấy, giới khởi nghiệp và sáng tạo Việt Nam đang có quyết tâm lớn, muốn khai thác tối đa năng lực vượt trội của mỗi cá nhân, điểm mạnh của mỗi nhóm để cùng nhau tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ và các giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội, cộng đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia xứng tầm các nước trong khu vực và quốc tế.

Để làm được việc này, giới khởi nghiệp cần sự ủng hộ, bảo trợ, trợ giúp, khai thác nguồn đầu tư mạo hiểm từ các bên liên quan, chấp nhận sự khác biệt của chúng tôi để cùng hướng tới những sứ mệnh mà một quốc gia khởi nghiệp cần thực hiện.

Giới khởi nghiệp cũng đang cần cơ hội, được tạo động lực, được khích lệ, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để sáng tạo bởi các thiết chế như nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp dẫn đầu…

"Thế mạnh của giới khởi nghiệp là sức trẻ và khát vọng"
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse

Sự thành công trên thế giới của các doanh nghiệp không phụ thuộc vào tuổi. Tại sao tôi nói vậy? Thử xem tại sao Facebook, Google trẻ mà đi nhanh, vượt qua nhiều tập đoàn giàu tuổi đời, kinh nghiệm, tài chính?

Hay tại sao các doanh nghiệp nước ngoài lại đến Việt Nam để đầu tư kinh doanh mà không ở lại quê hương của họ? Chắc chắn họ nhìn thấy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam - đất nước mới mở cửa, đội ngũ nhân lực trẻ, năng động, chi phí, khát khao thay đổi đất nước của người dân Việt Nam. Đó là cơ hội lớn mà các nước phát triển không có.

Đây chính là cơ hội của các doanh nghiệp trẻ, của giới khởi nghiệp. Vì thế mạnh của các doanh nghiệp trẻ, giới khởi nghiệp là sức trẻ và khát vọng. Tất nhiên, còn khó khăn là tìm kiếm và tận dụng cơ hội.

Nhưng tôi có kinh nghiệm là đã làm gì thì chuyên tâm, đã bắt đầu bán phở thì hết đời sẽ bán phở, chứ không thể thấy người ta làm tốt hơn mà lại bỏ đi bắt chước người khác.

Nguyên tắc của khởi nghiệp là nhìn thấy được tiềm năng, khả năng của mình và phải kiên trì thì sẽ thành công.

Ông Nguyễn Thành Nam tái khởi nghiệp ở tuổi 50
Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam giờ đây dành nhiều tâm huyết cho mô hình đại học trực tuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư