Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Từ "trùm BOT" đến số 1 về dịch vụ ô tô và hạ tầng giao thông
Thuỷ Anh - 20/12/2023 13:56
 
Từ một doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính, sau khi tái cấu trúc tinh gọn với sự tham gia của dàn lãnh đạo mới, Tasco (mã chứng khoán HUT), đã trở thành điểm sáng trên thị trường với khát vọng về một hệ sinh thái quy mô tầm cỡ khu vực.
Tasco Mall - Trung tâm thương mại thuộc hệ thống Tasco tại quận Long Biên, Hà Nội
Tasco Mall - Trung tâm thương mại thuộc hệ thống Tasco tại quận Long Biên, Hà Nội

Hữu duyên tương ngộ

Ông Phạm Quang Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tasco tình cờ gặp nhóm lãnh đạo DNP Holding trong buổi trao đổi về việc đầu tư Bệnh viện mắt Hà Nội 2. Tại đó, ông nhận thấy tầm nhìn, khát vọng của nhóm nhà đầu tư khi đó hội tụ đầy đủ những yếu tố của người kế nhiệm mà ông tìm kiếm bấy lâu nay. Vì vậy, ông Dũng đã mời nhóm nhà đầu tư đó tham gia đầu tư và tiếp quản lại Tasco. Khi đó, đại dịch Covid-19, các dự án BOT bị quay lưng, gặp nhiều khó khăn về chính sách nên phương án tài chính không đạt như đã ký kết, quản trị tài chính yếu kém đã đẩy Tasco vào vòng xoáy nợ nần, thua lỗ, cổ phiếu HUT rơi xuống dưới 2.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3 - 4/2020.

Sau khi khảo sát nghiêm túc về cơ hội, với một tầm nhìn dài hạn, nhóm nhà đầu tư mới đã quyết định tiếp quản Tasco. Mặc dù vẫn giữ tên Tasco, nhưng có một loạt thay đổi từ tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, các kế hoạch gia tăng quy mô hệ thống, cho đến dàn nhân sự HĐQT, Ban điều hành.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2022, ông Phạm Quang Dũng có bài phát biểu hơn 10 phút chia sẻ lý do ông hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, đứng đầu là ông Vũ Đình Độ, sau đó đã được bầu là Chủ tịch HĐQT của Tasco. Ông Dũng vẫn là cổ đông lớn của Công ty (sở hữu trên 5%), nhưng quyết định lui về, nhường toàn bộ quyền điều hành cho các nhà đầu tư mới.

Cũng tại đại hội này, ông Vũ Đình Độ công bố chiến lược mới của Tasco. Đặc biệt, các lãnh đạo của Tasco đã trình bày tham vọng về một hệ sinh thái xe hơi tầm cỡ khu vực. SVC Holdings, công ty mẹ của Savico (mã chứng khoán: SVC - HOSE) sẽ sáp nhập vào Tasco. Trong năm 2022, Tasco cũng M&A công ty bảo hiểm Groupama của Pháp và chuyển thành Công ty Bảo hiểm Tasco, đồng thời thành lập
Tasco Land và đầu tư vào NVT Holdings (Công ty mẹ của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).

Thông qua giao dịch này, Tasco đã bổ sung thêm chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay và Ana Mandara Đà Lạt vào danh mục bất động sản, mang lại nguồn khách hàng cao cấp cho hệ sinh thái dịch vụ ô tô, hạ tầng giao thông thông minh của mình. Dựa trên tiêu chuẩn chất lượng 5 sao của hai khu nghỉ này, bao gồm các quy chuẩn khắt khe về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sự bài bản trong quản lý vận hành, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, Tasco cho biết, sẽ áp dụng các DNA này để nâng cao chất lượng, dịch vụ cho toàn hệ thống.

Giá cổ phiếu HUT nhận được sự chú ý nhiều hơn từ nhà đầu tư sau thông tin tái cấu trúc Tasco này, cùng với sự tăng chung của thị trường giai đoạn đó, giá cổ phiếu HUT có lúc vượt 50.000 đồng/cổ phần, trước khi rớt theo cơn sóng thần của VN-Index hồi tháng 10-11/2022. Tuy nhiên, với lãnh đạo Tasco, kế hoạch không hề thay đổi: Tasco đã hoàn thành phát hành hơn 500 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi cổ phần với các cổ đông của SVC Holdings để SVC Holdings trở thành công ty TNHH một thành viên 100% vốn thuộc Tasco.

Đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông thông minh, sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan, chủ trương thu phí không dừng được Chính phủ chính thức quy định, đã tạo bước ngoặt cho VETC - công ty con của Tasco, liên tiếp trúng thầu các dự án ETC. Năm 2022, VETC phát triển đột phá, kết quả phát triển khách hàng bằng 5 năm trước đó. Thành công này có được từ việc sau 50 ngày đêm thi công không ngừng nghỉ, Tasco và VETC đã hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống ETC toàn bộ 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, vượt tiến độ cam kết với Chính phủ để thu phí tự động từ ngày 1/8/2022.

Quý II/2023, VETC chính thức được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm dịch vụ ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ và chi hộ. Bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản VETC có thể được sử dụng để thanh toán phí đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, xăng dầu… cũng như một số dịch vụ khác theo quy định.

Đến nay, VETC phục vụ 651 làn cao tốc trên toàn quốc thông qua mạng lưới 117 trạm thu phí, chiếm 75% thị phần, bình quân xử lý 1,2 triệu giao dịch/ngày và dịp lễ, tết xử lý khoảng 1,8 triệu giao dịch/ngày. Với 3 triệu khách hàng chủ sở hữu ô tô thuộc hệ thống VETC, cộng hưởng cùng với 650.000 lượt sửa chữa ô tô hàng năm và khoảng 43.000 xe ô tô được bán ra mỗi năm trong hệ thống SVC Holdings, sẽ cung cấp thông tin giá trị về xu hướng thị hiếu của khách hàng, giúp Tasco phát triển các sản phẩm, dịch vụ trọn vòng đời sử dụng xe ô tô cho khách hàng.

Thoát mũ “ông trùm bot”, hoàn thiện chuỗi giá trị mới

Tháng 8/2023, Tasco đã nhận được công văn chấp thuận phát hành riêng lẻ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép hoán đổi cổ phần SVC Holdings. Đề án tăng vốn hoán đổi là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện “Tầm nhìn mới của Tasco”: Trở thành sự lựa chọn số 1 về dịch vụ ô tô và hạ tầng giao thông thông minh tại Việt Nam.

Lãnh đạo Tasco cho biết, Công ty đã và sẽ rất tập trung cho tầm nhìn này sau khi tái cấu trúc mạnh mẽ, tinh gọn, thoái vốn khỏi nhiều hoạt động kinh doanh không cốt lõi và không phù hợp với tầm nhìn này.

Cụ thể, việc hợp nhất 2 tổ chức hướng tới các mục tiêu chính bao gồm, xây dựng mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc, hướng tới phục vụ khách hàng trọn vòng đời sử dụng dịch vụ ô tô thay vì cung cấp một vài dịch vụ đơn lẻ. Theo đó, Tasco sau này sẽ không chỉ bán xe mới, xe cũ, dịch vụ phụ tùng, sửa chữa, làm đẹp xe, mà còn hướng tới các dịch vụ gia tăng như bảo hiểm, cho vay, đổi xe cũ lấy xe mới, nâng cấp xe từ xe phổ thông qua xe sang, dịch vụ thu phí không dừng, bãi đậu xe, thanh toán xăng dầu, các loại phí bảo trì đường bộ…, các sản phẩm và dịch vụ khác liên quan tới xe và chủ xe.

Ngoài ra, Tasco mong muốn tham gia chuỗi giá trị cao hơn của ngành công nghiệp ô tô, hướng lên thượng nguồn nhiều hơn thông qua hợp tác với các đối tác toàn cầu.

Lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn tạo ra một tổ chức có quy mô và vị thế lớn, tăng cường năng lực cạnh tranh, năng lực xây dựng tổ chức, năng lực hợp tác quốc tế, thu hút nhân tài, ứng dụng khoa học công nghệ và huy động các nguồn lực lớn cho các kế hoạch phát triển.

Tại sự kiện Lynk & Co, thương hiệu của Geely Auto công bố chính thức phân phối tại thị trường Việt Nam với Công ty cổ phần GreenLynk Automotives - doanh nghiệp do Bắc Âu Auto, một thành viên của Savico là cổ đông chi phối, ông Vũ Đình Độ đã tiết lộ một mảnh ghép tiếp theo.

Cụ thể, sau thành công với việc phân phối dòng xe sang Volvo, SVC Holdings  sẽ phân phối các dòng xe của Geely Auto như Lynk & Co 01, Lynk & Co 03, Lynk & Co 05 và Lynk & Co 09. Lãnh đạo Tasco kỳ vọng, Geely Auto sẽ mang thêm nhiều thương hiệu ô tô khác vào Việt Nam, trong đó có mẫu xe điện chạy 1.000 km cho một lần sạc; đồng thời, có thể lập cứ điểm sản xuất tại đây để phân phối ra các thị trường Đông Nam Á, cũng như các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Được biết, Geely Auto hiện sở hữu và quản lý một số thương hiệu lớn như Geely Auto, Lynk & Co, Volvo Cars, Polestar, Lotus, Zeekr...

Theo ông Liu Xiangyang, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc Lynk & Co, người tiêu dùng Việt Nam am hiểu công nghệ, trẻ trung là nhóm khách hàng mục tiêu của Tập đoàn. Bên cạnh đó, khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau đại dịch là rất rõ ràng. Bởi vậy, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng của ngành công nghiệp ô tô.

Nhìn vào tiềm năng của thị trường ô tô mà Tasco đang đặt trọng tâm phát triển Có thể thấy, Tasco đang đặt trọng tâm phát triển vào ngành ô tô đang rất tiềm năng ở Việt Nam. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, đi cùng với đó là nhu cầu sở hữu ô tô chắc chắn sẽ tăng.

Nhìn sang Thái Lan, đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về đặc thù dân số, nhân khẩu học, tỷ lệ sở hữu ô tô là 280 xe/1.000 dân, trong khi của Việt Nam mới chỉ khoảng 50 xe/1.000 dân (số liệu từ Cục đăng kiểm năm 2022). Điều này cho thấy tiềm năng của ngành ô tô Việt Nam đang rất lớn lớn.

Không chỉ xe mới, thị trường xe cũ ở Việt Nam cũng còn nhiều tiềm năng phát triển. Theo báo cáo của Momentum Works, tỷ lệ xe cũ ở Việt Nam còn khá thấp so với khu vực, chỉ khoảng 0,4 lần so với lượng ô tô mới bán ra (thấp hơn nhiều so với Thái Lan 2,4 xe cũ/1 xe mới bán ra, Indonesia 1,5 lần, Malaysia 2 lần).

Tuy nhiên, thị trường xe cũ ở Việt Nam còn khá phân mảnh với rất nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường và thiếu sự tin tưởng của người tiêu dùng do khó kiểm định chất lượng. Nhận thấy điều đó, Tasco đã cho ra mắt nền tảng xe đã qua sử dụng Carpla - được triển khai cả kênh online và offline. Hiện Công ty đã có 3 showroom xe cũ quy mô lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và đang có kế hoạch tiếp tục phát triển thêm các Automall xe cũ tại các khu vực khác.

Được hậu thuẫn bởi hệ thống 83 showroom của SVC Holdings/Savico trên toàn quốc, gần 8.000 nhân sự trong lĩnh vực ô tô, Carpla có thể đảm bảo những chiếc xe được thu mua đều được kiểm định chặt chẽ. Bên cạnh đó, Carpla có thể cung cấp dịch vụ tích hợp, toàn diện bao gồm: kiểm định chất lượng xe; kiểm định lịch sử xe; bảo hành; dịch vụ bảo hiểm; cho vay…, mang lại sự yên tâm cho khách hàng.

Rõ ràng, tiềm năng của Tasco sau khi sáp nhập SVC Holdings là rất hấp dẫn. Báo cáo tổng hợp 2022 phát hành sau thương vụ sáp nhập cho thấy, Tasco sẽ có quy mô doanh thu hợp nhất tương ứng 26.847 tỷ đồng, hợp cộng hơn 38.000 tỷ đồng. Tasco trở thành hệ thống phân phối và dịch vụ ô tô lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 13,5% thị phần (theo VAMA, 6 tháng 2023), phân phối 13 thương hiệu xe lớn: Toyota (21%), Ford (31%), Volvo (100%) qua hệ thống 83 showroom và sẽ phát triển lên 120 showroom vào năm 2026, trên 8.000 cán bộ nhân viên, kỹ thuật viên và có mặt trên 36 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Với sự tham gia của các nhà đầu tư mới và những cơ hội phát triển mới, Tasco cũng trở thành “bến đỗ” của nhiều nhân sự cấp cao, có sức ảnh hưởng trong ngành như bà Đàm Bích Thuỷ - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Fulbright, ông Phạm Văn Dũng - nguyên Tổng giám đốc Ford Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Bích - nguyên Tổng giám đốc Vinfast châu Âu, ông Nguyễn Thiện Minh - nguyên kiến trúc sư hệ thống Be Group…

Tasco cũng từng được chọn là đối tác của dự án dành cho nghiên cứu sinh của Trường kinh doanh Harvard, nhóm chuyên gia Fulbright. Quy mô doanh nghiệp như vậy đủ lớn để có thể tính đến các bài toán hợp tác quốc tế như khát vọng mà lãnh đạo Tasco từng chia sẻ.

Nguyên Tổng giám đốc Ford Việt Nam cùng Giám đốc công nghệ BeGroup gia nhập Tasco
Ông Phạm Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cùng ông Nguyễn Thiện Minh, nguyên kiến trúc sư hệ thống Be Group, chính thức gia nhập Tasco...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư