Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tuần này, Quốc hội chất vấn 5 thành viên Chính phủ, dành 70 phút cho Phó thủ tướng
Nguyễn Lê - 06/06/2022 07:18
 
Ba "tân binh" lần lượt đăng đàn trước, dành 70 phút cho Phó thủ tướng, Quốc hội chuẩn bị cho hoạt động chất vấn sẽ diễn ra trong tuần làm việc thứ ba.
.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. 

Thông lệ, phiên chất vấn đầu tiên sẽ được bắt đầu vào buổi sáng, nhưng ở kỳ họp này sẽ là chiều 7/6.

Theo chương trình chi tiết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ lên "ghế nóng" từ 14h10, sau phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - người trực tiếp điều hành toàn bộ các phiên chất vấn.

Lần lượt các thành viên Chính phủ sẽ trả lời cho đến hết ngày 9/6 là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.

Như mọi kỳ khác, chương trình được bố trí khá dích dắc, thời gian dành cho mỗi vị đều không gói gọn trong một buổi, mà luôn vắt từ buổi này sang đầu buổi khác.

Được dành ít thời gian nhất là Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, chỉ từ 15h20 đến 16h50 (giải lao từ 15h30 đến 15h50) chiều 9/6. Ông chỉ có 70 phút để làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngoài chất vấn, trong tuần làm việc thứ ba này, Quốc hội còn nghe trình, thẩm tra, thảo luận  tại tổ và tại hội trường chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia. Gồm: các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột ; Biên Hòa - Vũng Tàu (đều là giai đoạn 1), Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Sau khi lùi thời gian trình 1 tuần thì hồ sơ các dự án này đã được bổ sung nhiều nội dung, trong đó có Nghị quyết của một số hội đồng  nhân dân tỉnh có các tuyến đường đi qua về cam kết vốn địa phương tham gia dự thành phần. Đây là nội dung được Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án này. Chính phủ, UBND một số địa phương cũng đã báo cáo giải trình rõ hơn một số vấn đề được nêu tại kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về các dự án.

Trong phiên họp sáng 4/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỷ đồng trong tổng số gói 176.000 tỷ đồng theo quy định của Nghị quyết 43 của Quốc hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba này.

Trong đó, có 3.800 tỷ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng; hơn 2320 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; và 3.500 tỷ đồng cho dự án và 3.500 tỷ đồng cho dự án dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trước hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ thảo luận hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Một tiếng cuối trong phiên họp sáng 7/6, Quốc hội họp riêng về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.

Có hai nội dung được bấm nút quyết định trong tuần là Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Theo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội giám sát tối cao: "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Phân bổ vốn thuộc Chương trình phục hồi: Có đến đâu trình đến đấy
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư