Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Tương lai rộng mở của xuất khẩu trực tuyến
Thế Hải - 28/08/2024 08:05
 
Thương mại điện tử xuyên biên giới, còn gọi là xuất khẩu trực tuyến, ngày càng phổ biến ở Việt Nam, góp phần mang về doanh thu gần 4 tỷ USD và tiến tới mức 13 tỷ USD sau 3 năm nữa.

Doanh thu từ xuất khẩu trực tuyến đang được cải thiện nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo báo cáo của hãng tư vấn Access Partnership (Anh), xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam ước đạt 3,5 tỷ USD năm 2022, tăng 7% so với năm 2021 và có thể lên đến 13 tỷ USD vào năm 2027. Mức tăng trưởng này cho thấy tiềm năng rộng mở của mô hình xuất khẩu trực tuyến. Đây cũng là xu thế tất yếu trên toàn cầu.

Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), bà Lại Việt Anh nhận định, tiềm năng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới còn rất lớn, nhất là với Việt Nam - một quốc gia có nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh là dệt may, da giày, gạo, nông sản…

“Cầu nối” thuận lợi cho doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là một số nền tảng trung gian nước ngoài đã vào Việt Nam với những dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến như Amazon, Shopee, Alibaba… Hiện có hàng ngàn doanh nghiệp Việt đang bán hàng và xuất khẩu hàng hóa thông qua các nền tảng này.

Sau 5 năm chung tay giới thiệu sản phẩm Made in Vietnam ra quốc tế, Amazon Global Selling Việt Nam bắc cầu cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thành công. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần trong 5 năm qua. Riêng năm 2023, đã có 17 triệu sản phẩm được các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bán ra trên Amazon.

Còn Shopee đang có Chương trình Bán hàng toàn cầu (SIP), giúp doanh nghiệp Việt tiến ra nước ngoài. Lợi thế lớn nhất của chương trình nằm ở việc sàn hỗ trợ 100% và miễn phí toàn bộ quy trình gồm đồng bộ gian hàng từ phiên bản Việt Nam sang quốc tế, giải quyết giấy tờ xuất nhập khẩu, marketing, bán hàng và vận hành.

Tại Tọa đàm với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - cơ hội, động lực và thách thức” mới đây, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho hay, Shopee hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á và hy vọng tiếp cận nhiều thị trường mới hơn nữa trong tương lai. Doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào sản xuất, Shopee sẽ lo vận hành và quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia SIP và mỗi tháng thu hút thêm hàng ngàn tên tuổi mới nhập cuộc, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á. Hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng Việt Nam thuộc chương trình  tăng 20-30%.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, định hướng kế hoạch tổng thể thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới sẽ hướng mạnh vào việc xuất khẩu trực tuyến nhằm đưa sản phẩm Made in Vietnam có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Để cán mốc mục tiêu này, các cơ quan, ban ngành sẽ tăng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu thông qua các đối tác trung gian.

Lưu ý tới các nhà sản xuất nội địa đón bắt tiềm năng xuất khẩu trực tuyến, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh, tiêu dùng xanh và bền vững tiếp tục là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Vì thế, để vươn ra thị trường toàn cầu, các nhà sản xuất cần coi trọng yếu tố này.

Theo đó, nhà xuất khẩu cần đáp ứng yêu cầu về truy xuất hàng hóa, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải… Doanh nghiệp có thể giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hóa quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình sản xuất…

Gợi mở thêm cho doanh nghiệp, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thương mại điện tử xuyên biên giới đang có cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt là Việt Nam gần thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản. Từ nửa cuối năm 2022, hai nước lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và mới nhất là sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.

Tín hiệu đáng mừng là số lượng doanh nghiệp có mục tiêu xuất khẩu trực tuyến tiếp tục tăng lên. Một khảo sát của hãng Access Partnership cho thấy, 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trực tuyến đạt ít nhất 10%/năm trong 5 năm tới.

“Trên sân chơi thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu, các doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội ra quốc tế nhờ vào những chương trình hỗ trợ từ các nền tảng trung gian và dự án hỗ trợ xuất khẩu của các bộ, ngành… Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này để từng bước đa dạng phương thức tiêu thụ, tận dụng tiềm năng của kinh tế số”, ông Tuấn lưu ý.

Chân trời mới cho thương mại điện tử phát triển
Xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới sẽ là bước đột phá, tạo nên sự bùng nổ cho kinh tế số Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư