Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tuyên án Trương Mỹ Lan, quyền lợi trái chủ Vạn Thịnh Phát ra sao?
Ngô Nguyên - 15/04/2024 08:58
 
Sau khi Tòa tuyên án tử hình Trương Mỹ Lan, hàng chục ngàn trái chủ lo lắng rằng, phần lớn tài sản bà Lan có được là chiếm đoạt tiền của SCB. Vậy người mang tiền gửi tiết kiệm ngân hàng này rồi bị dụ, bị “biến” thành trái chủ của trái phiếu các công ty con, công ty liên kết, liên quan Vạn Thịnh Phát có được đảm bảo quyền lợi?
Các bị cáo tại buổi tuyên án

Trái chủ không thuộc phạm vi vụ án vừa tuyên

Sau hơn 1 tháng xét xử, Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa tuyên tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, cũng như có bản án cho 85 bị cáo khác.

Phiên tòa vừa khép lại, mới chỉ là giai đoạn I của vụ án, tập trung xét xử các bị cáo liên quan đến hành vi tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... để tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn II của vụ án là xử lý các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Trong giai đoạn II, các cơ quan tố tụng tập trung điều tra, truy tố và xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Ở giai đoạn này, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến năm 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân. Ngoài ra, bà Lan và nhiều bị cáo còn bị điều tra tội “rửa tiền”.

Cũng giai đoạn II, từ hồi tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và các bị can liên quan đến vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty, đơn vị liên quan Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Cũng tức là, hàng chục ngàn trái chủ mua trái phiếu các công ty con, công ty liên kết, liên quan Vạn Thịnh Phát không thuộc đối tượng liên quan vụ án giai đoạn I, mà sẽ được xem xét trong giai đoạn II của vụ “đại án lịch sử”.

Được ưu tiên giải quyết quyền lợi

Theo bản án vừa tuyên của Tòa án Nhân dân TP.HCM, ngoài xử phạt Trương Mỹ Lan án tử hình, thì còn tiếp tục kê biên tiền và khối tài sản khổng lồ của Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát để không chỉ đảm bảo nghĩa vụ khắc phục, bồi thường thiệt hại của bị cáo trong vụ án trên (giai đoạn I), mà còn “các vụ án của các giai đoạn tiếp theo, nhưng ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu”.

Tòa án Nhân dân TP.HCM còn kiến nghị, tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này, mà Trương Mỹ Lan (hoặc cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên, nhằm có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn II.

Đề nghị C03, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn II, tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn II của vụ án gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB); Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB); Chiêm Minh Dũng (cựu Phó tổng giám đốc SCB; Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB).

Xử lý khối tài sản khổng lồ cho giai đoạn II thế nào?

Như đã nêu trên, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên tiếp tục kê biên tiền và khối tài sản khổng lồ của Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát để không chỉ đảm bảo nghĩa vụ của vụ án giai đoạn I, mà còn các vụ án giai đoạn tiếp theo và ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu.

Theo đó, với việc buộc Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB số tiền hơn 673.000 tỷ đồng, Hội đồng Xét xử giao SCB quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp cho ngân hàng này, đã được xác định thuộc trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ bồi hoàn cho SCB. 1.122 mã tài sản đã bị kê biên, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh)…

Sau khi xử lý tài sản để thu hồi nợ, phần giá trị tài sản còn lại (nếu có), SCB cần phối hợp với C03 để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan, thì dùng toàn bộ phần còn lại đó để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo trong cả giai đoạn II của vụ án.

Hội đồng Xét xử tuyên tiếp tục tạm giữ hàng trăm tỷ đồng mà các tổ chức, cá nhân đã nộp để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án (giai đoạn I và II). Trước đó, Bộ Công an đã thu giữ hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan và nhiều tổ chức, cá nhân. Trong giai đoạn truy tố, đã thu giữ thêm từ các bị cáo gần 55,5 tỷ đồng, quá trình xét xử, các bị cáo đã nộp thêm 73 tỷ đồng.

Hội đồng Xét xử còn buộc nhiều doanh nghiệp hoàn trả tiền cho Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành án cho bị cáo trong cả giai đoạn II như: buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả hơn 2.882 tỷ đồng đã nhận từ Trương Mỹ Lan; buộc Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát phải nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng; Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145,26 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC; Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà hoàn trả số tiền 400 tỷ đồng; Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền hơn 6.095 tỷ đồng…

Hội đồng Xét xử còn tuyên tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.

Giao 76 bất động sản tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai (đang bị kê biên) cho C03 để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý liên quan đến hành vi sai phạm của một số đối tượng đứng tên hộ tài sản cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Tiếp tục kê biên đối với 16 bất động sản tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển), giao C03 tiếp tục điều tra làm rõ để giải quyết trong giai đoạn II của vụ án.

Tám kiến nghị của Tòa án Nhân dân TP.HCM

1) Kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) đối với Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Ngọc Dương.

2) Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp cũng như ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

3) Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có quy định kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, nhưng vẫn khuyến khích, tạo động lực để phát triển kinh tế như chủ trương của Chính phủ đề ra.

4) Kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực trong công tác kiểm toán. Bên cạnh đó, Hội đồng Xét xử cũng đề nghị C03, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn II tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại Ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý theo đúng quy định.

5) Kiến nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả. Đồng thời, làm rõ các sai phạm có liên quan (nếu có) để xử lý theo quy định của pháp luật.

6) Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi.

7) Kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên, nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn II theo quy định.

8/ Đề nghị C03, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn II, tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn II của vụ án.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Tuyên bà Trương Mỹ Lan án tử hình, Đỗ Thị Nhàn án chung thân
HĐXX nhận định, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng rất nhiều tiền của Ngân hàng SCB để sở hữu bất động sản. Bà Lan bị tuyên tử hình và phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư