Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát: Hành vi phạm tội của bà Lan đặc biệt nghiêm trọng
Việt Dũng - 11/04/2024 12:01
 
HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thiệt hại lớn, không có khả năng thu hồi. Ngoài ra, hành vi của các bị cáo là có tổ chức.

Đủ cơ sở xác định bà Lan phạm tội “tham ô tài sản”

Ngày 11/4, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan.

(HĐXX nhận định, tại tòa, các bị cáo thuộc SCB thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan là chủ nhóm Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà ngày 11/4.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 11/4.

Theo HĐXX, khi biết 3 ngân hàng tư nhân phải hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã thu mua cổ phần của các ngân hàng này. Đủ căn cứ xác định Trương Mỹ Lan sở hữu và chi phối hơn 91% tổng số cổ phần SCB, là người quyết định tại ngân hàng này. Trương Mỹ Lan không những chỉ đạo, quyết định hoạt động tín dụng, mà còn tuyển chọn, bố trí nhân sự và vị trí lãnh đạo chủ chốt của SCB.

Phần trình bày của bị cáo và các luật sư về việc bị cáo Lan không giữ chức vụ gì tại SCB nên không phải là chủ thể của tội “tham ô tài sản”…, HĐXX đã bác bỏ và không chấp nhận nội dung này. Đồng thời, HĐXX cũng không chấp nhận nội dung bào chữa của bị cáo và các luật sư về việc Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để tái cơ cấu SCB.

Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ lập các pháp nhân để phục vụ việc vay vốn, việc vay vốn cũng được lập khống các tài sản đảm bảo. Trương Mỹ Lan đã sử dụng các bị cáo như Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung… để rút tiền từ SCB để sử dụng cho mục đích riêng.

Liên quan đến nội dung, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan là xuyên suốt nhưng lại bị Viện kiểm sát tách ra làm hai tội khác nhau, HĐXX cho rằng, trước ngày 1/1/2018, những hành vi phạm tội bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (Điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999. Thời điểm này, chưa có quy định về tội “tham ô tài sản” đối với các tổ chức tư nhân. Tuy nhiên, những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 01/01/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (Điều 353, Điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015, đủ cơ sở để xác định tội tham ô tài sản. Vì vậy, kiến nghị của Viện Kiểm sát là có cơ sở, phù hợp với quy định pháp luật.

HĐXX cho biết thêm, các bị cáo gồm Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula; Hồ Bửu Phương, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt… đều biết rõ hồ sơ vay vốn là khống nhưng vẫn giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền tại SCB. Vì vậy, Trương Mỹ Lan bị truy tố về tội danh nào thì các bị cáo cũng sẽ phải chịu mức tội danh như vậy, cụ thể là tội “tham ô tài sản”.

Từ đó, đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Hành vi của bà Nhàn cấu thành tội “nhận hối lộ”

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ I, Cơ quan TTGSNH - Trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo Đoàn thanh tra, trong quá trình thanh tra bị cáo buộc về tội “nhận hối lộ”.

Cụ thể, bị cáo Nhàn biết rõ tình trạng của SCB nhưng không báo cáo. Bị cáo gặp Trương Mỹ Lan thông qua Võ Tấn Hoàng Văn để trao đổi về những sai phạm này. Lúc này, Trương Mỹ Lan đề nghị Nhàn hỗ tợ để SCB tái cấu trúc. Sau gặp gỡ, bị cáo Nhàn nhận 5,2 triệu USD thông qua Võ Tấn Hoàng Văn.

HĐXX cho rằng, việc bị cáo chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra chỉnh sửa số liệu, không đưa SCB vào diện theo dõi… đây là phương thức để bị cáo nhận tiền hối lộ 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ I, Cơ quan TTGSNH - Trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo Đoàn thanh tra.

Tại tòa, bị cáo khai việc nhận 5,2 triệu USD là để bảo vệ gia đình, nhiều lần liên hệ Võ Tấn Hoàng Văn để trả lại nhưng không được. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, việc gặp bị cáo gặp Văn trong thời gian dài, nếu không muốn nhận thì có nhiều cơ hội để trả lại. Thậm chí, bị cáo còn đưa mật khẩu của nhà mình cho bị cáo Văn để quà là tiền vào nhà.

Từ đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo liên quan đến vấn đề này. HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo đủ dấu hiệu cấu thành tội “nhận hối lộ”.

HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thiệt hại lớn, không có khả năng thu hồi. Ngoài ra, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là có tổ chức.

HĐXX vẫn đang tiếp tục đọc bản tuyên án và nhận định về hành vi phạm tội của các bị cáo.

Xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát: Vì sao lần đầu tiên đề nghị tử hình nữ doanh nhân?
Trước ý kiến luật sư bào chữa cho Trương Mỹ Lan không đồng tình tội “tham ô tài sản” và “lần đầu tiên trong lịch sử đề nghị tử hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư