Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tuyến đường thịnh vượng mới
Bảo Như - 04/05/2021 08:14
 
Việc hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.082km, quy mô 4 làn xe sẽ là động lực, là biểu tượng của một nước Việt Nam thịnh vượng trong 5 năm tới.
Việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước 

Nỗi trăn trở nhiều thế hệ

Từ đầu tháng 4/2021, nhiều phòng làm việc của Vụ Đối tác công tư (PPP) trong khuôn viên của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sáng đèn đến tận khuya để cán bộ đơn vị này kịp hoàn thiện Báo cáo chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, trình Chính phủ xem xét cho ý kiến.

Không khí rất khẩn trương, bởi đây là công trình hạ tầng có quy mô rất lớn, có sức lan tỏa đặc biệt được Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm xác định là mũi đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ này.

Trên thực tế, chỉ đúng 10 ngày sau khi ký ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ để nghe Bộ GTVT báo cáo về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

“Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông chính là dự án hạ tầng đầu tiên được Thường trực Chính phủ họp cho ý kiến kể từ khi Chính phủ được kiện toàn”, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP thông tin.

Mặc dù vẫn còn nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo báo cáo chủ trương đầu tư Dự án phải chỉnh sửa theo chỉ đạo của Thủ tướng trước khi trình Bộ Chính trị phê duyệt, song đây là công trình đường bộ được Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng.

Theo đề xuất ban đầu của Bộ GTVT, mục tiêu của Dự án là đến năm 2025 sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến đường bộ cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.082 km, quy mô 4 làn xe.

Yêu cầu được đặt ra cho các đơn vị chuẩn bị Dự án là các dự án thành phần của tuyến cao tốc xuyên Việt phía Đông phải phù hợp với năng lực huy động vốn của các nhà đầu tư, có hiệu quả trong vận hành khai thác.

Cần phải nói thêm rằng, trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương, trên trục Bắc - Nam, có tới 2 tuyến cao tốc được triển khai trong thời gian tới là trục phía Đông, gồm 55 đoạn tuyến và trục phía Tây (từ TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) dài 1.233 km, gồm 22 đoạn tuyến. Tuy nhiên, ưu tiên số 1 của ngành GTVT trong 5 năm tới đây vẫn là huy động mọi nguồn lực để sớm nối liền một dải tuyến cao tốc trên trục Bắc - Nam phía Đông.

Theo Bộ GTVT, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau là hành lang quan trọng nhất của cả nước. Trên hành lang này, nhu cầu vận tải dù được phân bổ cho cả 5 phương thức nhưng vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải luôn chiếm thị phần lớn nhất.

“Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước trong những năm tới”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT cho biết.

Ngay từ năm 1996, trong các cuộc làm việc với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Võ Văn Kiệt đã yêu cầu Bộ GTVT phải sớm nghiên cứu một tuyến xa lộ Bắc - Nam mới, với yêu cầu đặt ra là tuyến trục dọc này phải tương đương xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa về quy mô mặt cắt ngang, chạy suốt từ Bắc vào Nam để không còn cảnh ách tắc mà năm nào cũng xảy ra trong mùa bão lụt ở miền Trung.

Phải mất tới 8 năm kể từ khi ý tưởng táo bạo này được khởi xướng, đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tiên mới được hoàn thành sau khi Bộ GTVT quyết tâm dồn toàn bộ phần vốn dư ODA từ việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 để xây dựng 30 km đường cao tốc, quy mô 4 làn xe từ Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Mặc dù vậy, do nguồn lực có hạn, kể từ khi tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên được xây dựng năm 2004, sau hơn 16 năm, cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163 km, tương ứng 18% so với quy hoạch, tốc độ xây dựng bình quân đạt 73 km/năm, chỉ bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua, chưa đạt được mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc” theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Điều đáng nói là, trong số này gần 1.200 km đường cao tốc được xây dựng tính đến thời điểm cuối năm 2020, cũng chỉ có 458 km đường cao tốc Bắc - Nam, tương ứng với 22% tuyến cao tốc Bắc - Nam được hoàn thành, đưa vào khai thác.

“Việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện đại xuyên Việt luôn là ước mơ và nỗi trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ, kỹ sư ngành GTVT, bởi chỉ có phát triển thật nhanh mạng đường cao tốc, chúng ta mới có cơ hội bứt phá làm giàu”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nói.

Dự án lớn chờ nhà đầu tư lớn

Trong vòng 3 năm trở lại đây, tiến trình đóng mạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, trên cơ sở phê chuẩn của Quốc hội, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, với tổng mức đầu tư  khoảng 118.716 tỷ đồng đang được Bộ GTVT triển khai đầu tư. Nếu tính cả Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và 2 đoạn tuyến quan trọng khác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, thì hiện có tới 841 km, tương đương 40% chiều dài tuyến cao tốc xuyên Việt đang được đầu tư. Bộ GTVT đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai để các đoạn tuyến này được khai thác trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022.

Như vậy, để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cần phải đầu tư 762 km còn lại, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (142 km), đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mục tiêu này không dễ hoàn thành, bởi theo tính toán sơ bộ, để hoàn thành 762 km đường cao tốc Bắc - Nam còn lại, cần tối thiếu 160.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD. Đó là chưa kể đến việc đoạn tuyến dự kiến đầu tư trải dài từ Bắc vào Nam qua nhiều địa hình phức tạp, trong khi quỹ thời gian thực hiện là không dài.

Để Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thành công, điều kiện tiên quyết đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là phải tạo dựng được một “sân chơi” hấp dẫn, thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư hàng đầu trong nước có tiềm lực tài chính, kỹ năng quản trị dự án. Đây là bài toán từng được tỉnh Quảng Ninh đưa ra lời giải hoàn hảo cho các dự án hạ tầng có quy mô lớn trên địa bàn trong vòng 10 năm trở lại đây.

Điều này đòi hỏi cơ quan chủ trì triển khai Dự án phải quán triệt cao độ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước. Đối với những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Nếu thực hiện đúng tinh thần này thì Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ đón được những “đại bàng” lớn, mà còn là bệ phóng để các nhà đầu tư vươn ra thị trường xây dựng quốc tế.

Trên thực tế, trong vòng 10 năm qua, cùng với việc xây dựng được hơn 1.074 km đường cao tốc; hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau lên 4 làn xe, mở rộng đường Hồ Chí Minh; hoàn thành luồng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; cảng Lạch Huyện; nhiều cảng hàng không được nâng cấp và xây dựng mới… sự xuất hiện, vươn lên của các nhà thầu tư nhân trở thành các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng là một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận của ngành GTVT.

“Sau thế hệ của các Cienco trong vai trò khôi phục, nâng cấp tuyến đường, cây cầu, sân bay trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thì những nhà đầu tư tư nhân mới như Đèo Cả, Sun Group, Vingroup... chính là những lớp người tiếp nối xây dựng các công trình hạ tầng lớn, mở những đại lộ giúp đất nước phú cường”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ kỳ vọng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu: “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” và “Nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu...”.

Rốt ráo chuẩn bị khởi công Cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung
Việc chuẩn bị tốt nhất điều kiện để khởi công các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam qua miền Trung đã giải phóng xong mặt bằng và thống nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư