Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 04 năm 2025,
TVS lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 18%, thực hiện 4 - 5 thương vụ đầu tư tư nhân
Thanh Thuỷ - 26/04/2025 09:04
 
Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đánh giá đây là thời điểm thuận lợi để tìm công ty tốt với định giá vừa phải và sẵn sàng đẩy mạnh chiến lược đầu tư vốn cổ phần tư nhân vào năm 2025.

Lợi nhuận kế hoạch 333 tỷ đồng, đưa vào vận hành nền tảng đầu tư mới

Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (mã TVS, sàn HoSE) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên với các tờ trình tại Đại hội đều được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 được các cổ đông thông qua, TVS sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 240 tỷ đồng để chi trả cổ tức tỷ lệ 12%, toàn bộ bằng cổ phiếu. Sau khi trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi và trả cổ tức, lợi nhuận để lại đến cuối năm 2024 là hơn 56 tỷ đồng.

Trong năm 2024, TVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 282 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của TVS năm 2024 đạt 12,8% đứng thứ 4 trong các công ty ngành chứng khoán. Lợi nhuận công ty đến từ các mảng quản lý quỹ, đầu tư cổ phiếu, đầu tư thu nhập cố định môi giới và ngân hàng đầu tư.

Trong đó, hoạt động tự doanh và quản lý quỹ thực hiện qua Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) - công ty con do TVS sở hữu 99,84% vốn. TVAM chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu và các loại tài sản thu nhập cố định, đảm bảo lợi nhuận cân bằng và ổn định phù hợp với các điều kiện thị trường khác nhau.

Lãnh đạo công ty cho biết tổng tài sản do TVAM quản lý (AUM) cuối năm 2024 đạt 10.897 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Về đầu tư cổ phiếu, chiến lược giao dịch tự doanh của TVAM mang lại lợi nhuận khoảng 10% - 16%, tập trung phân bổ vào các ngành ngân hàng và bán lẻ. Với đầu tư tài sản thu nhập cố định, TVAM quản lý gần 9.000 tỷ đồng tài sản nhóm này, tỷ suất lợi nhuận đạt 7,6% trong năm 2024 và đóng góp 27% lợi nhuận trước thuế của công ty.

Đối với hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) và tư vấn tài chính, công ty cho biết đã tư vấn cho hai giao dịch lớn trong lĩnh vực AI, bao gồm một thương vụ M&A xuyên biên giới và một vòng gọi vốn; tư vấn thành công cho một công ty ed-tech trong vòng gọi vốn; hỗ trợ một công ty an ninh mạng khu vực trong việc tái cấu trúc chiến lược tài chính và hoạt động; hỗ trợ một công ty truyền thông ngoài trời (OOH) huy động vốn chiến lược…

Cùng đó, hoạt động môi giới chứng khoán bán lẻ tiếp tục tăng trưởng. Doanh thu môi giới và lãi từ các khoản cho vay đạt 53 tỷ VND, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

TVS đã đưa vào hoạt động nền tảng đầu tư eWealth và dự kiến ra mắt thêm trở lý đầu tư AI thời gian tới.

Báo cáo tại Đại hội, ông Ngô Nhật Minh, thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc TVS cho biết từ năm 2023, TVS đã khởi động dự án chuyển đổi số toàn diện RUBIK, hướng đến trở thành nền tảng đầu tư hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm và sẵn sàng đón đầu sự chuyển mình của thị trường tài chính trong kỷ nguyên số. Hiện TVS đã đưa vào hoạt động nền tảng đầu tư eWealth, dự kiến ra mắt thêm trở lý đầu tư AI thời gian tới.

Theo ông Minh, mục tiêu của TVS không chỉ dừng lại ở việc số hóa quy trình mà còn là tích hợp công nghệ vào cốt lõi hoạt động, giúp dịch vụ tài chính trở nên hiệu quả trực quan và dễ tiếp cận hơn, qua đó nâng cao chất lượng ra quyết định đầu tư, tối ưu hóa quy trình và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Năm 2025, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận 333 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2024. Hoạt động quản lý quỹ, đầu tư cổ phiếu, đầu tư thu nhập cố định tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận. Kế hoạch được xây dựng trên dự báo GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ chính sách tài khóa mở rộng cùng động lực từ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, xuất khẩu dù đối diện nhiều thách thức từ bất ổn liên quan đến khả năng Mỹ áp thuế, Việt Nam vẫn ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường dự kiến đạt 16,2% so với cùng kỳ, khối phân tích TVS cho rằng VN-Index có thể đạt mức từ 1.380 đến 1.400 điểm vào cuối năm 2025. Việc FTSE Russell xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2025 được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ ETF thị trường mới nổi, từ đó cải thiện tâm lý thị trường và tăng cường thanh khoản.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Chứng khoán Thiên Việt.

Dự kiến giải ngân 4 - 5 thương vụ đầu tư tư nhân, dự kiến chào bán cổ phiếu tháng 5

Trong năm 2024, mảng đầu tư vốn cổ phần tư nhân, điểm khác biệt lớn trong hoạt động của Chứng khoán Thiên Việt so với các công ty chứng khoán, tiếp tục có thêm 4 khoản đầu tư. Các lĩnh vực đầu tư bao gồm giáo dục và giải trí, trí tuệ nhân tạo (AI), chăm sóc sức khỏe và công nghệ tài chính (fintech). Cùng đó, đến thời điểm cuối 2024, TVS đã thoái vốn một vài thương vụ tiêu biểu, trong đó có Chuỗi phòng khám Nhi Đồng 315.

TVS mở rộng quy mô danh mục trong bối cảnh dòng vốn toàn khu vực Đông Nam Á năm 2024 giảm xuống mức thấp nhất 7 năm. Theo kế hoạch, công ty sẵn sàng đẩy mạnh chiến lược đầu tư tư nhân vào năm 2025. Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào việc ra mắt Quỹ đầu tư tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Hoà Chung, Giám đốc điều hành Khối Ngân hàng Đầu tư TVS, cho biết khoản đầu tư gần nhất vào Namitech - công ty AI trong xử lý giọng nói và giải pháp phân tích hội thoại. Vừa qua, công ty này đã gọi thêm được vốn từ nhà đầu tư của Nhật Bản.

Cũng theo ông Chung, đây là thời điểm thuận lợi để tìm công ty tốt với định giá vừa phải. Mục tiêu của TVS năm nay là quyết tâm thực hiện 4 - 5 thương vụ. Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực đã khẳng định được thế mạnh và tìm kiếm cơ hội trong các ngành công nghiệp mới (trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh, năng lượng sạch).

Trả lời câu hỏi của cổ đông về hoạt động đầu tư tư nhân, ông Terence Ting, Phó chủ tịch HĐQT TVS cũng chỉ ra một khác biệt của TVS với các quỹ khác là sử dụng tiền của chính công ty. TVS vì vậy có thời gian đủ dài để xem xét cơ hội thoái vốn hợp lý và có thể đầu tư từ giai đoạn sớm đợi đến khi công ty phát triển.  

Cũng theo ông Terry, trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang khá nổi bật so với các nước Đông Nam Á. Do vậy, càng ngày sẽ có thêm cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư. TVS cũng sẽ tìm kiếm thời điểm phù hợp trong thời gian tới để thoái vốn một phần các khoản đầu tư.  

Nói riêng về MoMo -  khoản đầu tư TVS tham gia từ năm 2007, Phó chủ tịch HĐQT TVS cho biết công ty vẫn đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong chiến lược phát triển thời gian tới. Về khả năng thoái vốn tại Momo nói riêng và khoản đầu tư khác nói chung, sẽ phụ thuộc vào thời điểm phù hợp của thị trường. Hiện TVS vẫn giữ vai trò là nhà đầu tư chiến lược và đánh giá dư địa để mở rộng quy mô tại Momo còn rất lớn.

Năm 2025, ngoài phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức, TVS còn trình cổ đông kế hoạch chào bán 4,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu kèm điều kiện hạn chế chuyển nhượng.

Cùng đó, theo phương án tăng vốn đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp tháng 2/2025, TVS sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% vào quý II-III/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Thảo, thời gian triển khai đợt chào bán có thể vào tháng 5 tới. Số tiền huy động được xấp xỉ 334 tỷ đồng sẽ sử dụng để bổ sung toàn bộ cho hoạt động đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, hợp đồng tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi của công ty.

Chứng khoán Thiên Việt nhầm số liệu trong văn bản giải trình lợi nhuận
Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (mã TVS, sàn HoSE) vừa phải đính chính số liệu lợi nhuận trong văn bản giải trình về biến động lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư