Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tỷ giá nhảy số, lãi suất tăng
Vân Linh - 28/05/2019 15:40
 
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, đồng nhân dân tệ mất giá đã tác động lên tỷ giá tiền đồng, kéo theo lãi suất tăng và xu hướng khó có thể dừng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của nhiều ngân hàng tăng khi tỷ giá tiền đồng biến động. Ảnh: Đức Thanh
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của nhiều ngân hàng tăng khi tỷ giá tiền đồng biến động. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất tiền gửi tăng

Mức 8,6%/năm là lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay, thuộc về Ngân hàng Bản Việt. Mức này được Bản Việt áp dụng với các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 24 - 60 tháng, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn có chương trình gửi tiết kiệm online với lãi suất 8,7% cùng kỳ hạn trên.

Nhìn chung, các ngân hàng đều đặt mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn dài trên 36 tháng, ngoại trừ Nam A Bank và ABBank. Đây cũng là 2 ngân hàng có mức lãi suất cao tiếp theo sau Bản Việt, lần lượt là 8,45% và 8,3% ở kỳ hạn chỉ 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức này, khách hàng cần gửi số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên.

Eximbank duy trì lãi suất ở mức 8%, còn lại các ngân hàng đều dưới 8%. Lãi suất cao tiếp theo thuộc về VIB với 7,8%, ngay sau là SCB với 7,7%, MBBank, MaritimeBank mức 7,4 - 7,6%. Một số ngân hàng còn lại, lãi suất dao động 7%. HDBank với lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, cộng thêm tối đa lên đến 0,6%/năm, lãi suất tối đa cho khoản gửi tiết kiệm lên đến 7,7%/năm.

Để thu hút tiền nhàn rỗi, một số tổ chức tín dụng còn tung ra chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lãi suất cao. VietABank vừa thông báo phát hành CCTG ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục. Khách hàng cá nhân mua CCTG tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được lãi suất hàng tháng 8,38%/năm, trong khi lĩnh lãi cuối kỳ lên tới 9,1%/năm.

Trước đó, một số ngân hàng thương mại đã phát hành CCTG, lãi suất xấp xỉ 9%/năm. Sacombank đang phát hành CCTG trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, khách hàng mua CCTG dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) sẽ được nhận mức lãi suất 8,6%/năm. BIDV, SHB, MSB… phát hành CCTG dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để huy động vốn trung - dài hạn từ thị trường, lãi suất cao nhất có thể lên tới 8,9%/năm.

Đáng chú ý, VietCredit vừa phát hành CCTG đợt 3 với tổng mệnh giá phát hành là 1.000 tỷ đồng; kỳ hạn 12 tháng với số tiền đầu tư chỉ từ 100 triệu đồng, lãi suất 10%/năm. Hiện vốn vay trung, dài hạn, ngân hàng cung ứng cho doanh nghiệp với lãi suất 10-12%/năm, đồng thời công ty tài chính cho vay tiêu dùng lãi suất khá cao, 40-50%/năm. Vì thế, cả ngân hàng và công ty tài chính sẵn sàng huy động vốn qua kênh CCTG từ thị trường với mức lãi suất cao 9-10%.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2019, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm từ mức 45% xuống 40%. Việc cạnh tranh huy động vốn ở kỳ hạn trên 12 tháng là cách các ngân hàng thương mại đẩy mạnh nguồn lực phục vụ các khoản vay trung và dài hạn. Mặt khác, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính, trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang và Trung Quốc buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ, khiến tỷ giá tiền đồng khó tránh khỏi ảnh hưởng và gây sức ép lên lãi suất, tuy chưa lớn, song để giữ được nguồn tiết kiệm, ngân hàng đã tăng lãi suất đầu vào.

Cạnh tranh lãi suất tiết kiệm online

Để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi, các nhà băng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm online so với gửi tiền tại quầy cao nhất lên đến 1%/năm, kỳ hạn 6-12 tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, NHNN TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng tăng theo xu hướng tỷ giá.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online của Ngân hàng ACB cao hơn 0,3%, ABBank cao hơn 0,2%, PVcombank cao hơn 0,2%... Mới đây, Nam A Bank đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm online lên mức 8,2%/năm và 8%/năm, lần lượt với kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng, cao hơn tại quầy từ 0,4 - 1%/năm. Gửi tiết kiệm online tại Nam A Bank, khách hàng được hưởng lãi suất cao hơn gửi tại quầy lên đến 1%/năm.

Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Khối kinh doanh Nam A Bank cho biết, việc tăng lãi suất tiết kiệm online nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng. Đối với những khoản tiền không quá lớn, từ 50 - 100 triệu đồng, khi khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm online sẽ giảm thiểu được quy trình, thủ tục.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, gửi tiết kiệm online ngày càng được nhiều người lựa chọn vì đơn giản, nhanh gọn, nhưng vẫn bảo đảm tính bảo mật. Vì thế, việc ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi online cao hơn gửi tại quầy, kèm nhiều chương trình khuyến mại “khủng” nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Tiết kiệm online là sản phẩm tiền gửi ngày càng được nhiều ngân hàng đẩy mạnh để thu hút khách hàng, nhất là trong bối cảnh ngân hàng đang tăng cường huy động vốn. Chỉ cần một cú click chuột hoặc vài thao tác chạm trên điện thoại di động hay máy tính, khách hàng đã có thể mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin, tất toán hoặc tái tục chỉ trong vài phút mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch.

Theo chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn, sự bùng nổ của ngân hàng số giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian giao dịch. Khi đó, Internet Banking, Mobile Banking… trở thành kênh giao dịch được lựa chọn nhiều và nếu ngân hàng cộng thêm chương trình khuyến mại, ưu đãi kèm lãi suất cao sẽ kéo khách hàng đến nhiều hơn.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ: NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá
Trước biến động tỷ giá trong những ngày qua, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư