Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tỷ giá sẽ linh hoạt cụ thể ra sao?
Liên Hà - 30/12/2015 11:30
 
Theo tiết lộ của giới chuyên gia, tỷ giá tới đây sẽ được được vận hành lên, xuống linh hoạt theo diễn biến thực tế thị trường nhưng với biên độ vừa phải, do đó sẽ không biến động mạnh như cách làm của Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN
Tỷ giá tới đây sẽ được tham vấn với rổ tiền tệ, thay vì chỉ neo vào USD
Tỷ giá tới đây sẽ được đối chiếu theo rổ tiền tệ, thay vì chỉ neo vào USD

 Tỷ giá sẽ bám sát thị trường

Đầu tuần này, NHNN đã có buổi gặp gỡ với các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để tham vấn ý kiến về cơ chế tỷ giá mới. 

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, hiện NHNN đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới một cơ chế điều hành tỉ giá mới. Theo đó, không loại trừ khả năng NHNN áp dụng mức lãi suất âm (gửi ngoại tệ vào ngân hàng phải trả phí). Bước tiếp theo trong điều hành tỉ giá là sẽ có tỉ giá trung tâm của NHNN. "Tỉ giá trung tâm sẽ thay đổi thường xuyên, thậm chí hằng ngày, hôm nay NHNN có thể công bố tỉ giá này và ngày mai công bố tỉ giá khác. Khi đó, ai có nhu cầu thật mới mua, còn nếu đầu cơ thì nguy cơ thua lỗ, rủi ro rất lớn", Thống đốc khẳng định.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tham dự buổi tọa đàm tham vấn ý kiến của NHNN cho hay, với cơ chế mới, tỷ giá sẽ vô cùng linh họat, có lên, có xuống theo đúng diễn biến thị trường ngoại tệ trong nước và quốc tế.  "Cơ chế tỷ giá ổn định trước đây đã phát huy hiệu quả trong thời gian dài, nhưng đã bắt đầu không còn thích hợp với tình hình mới. Chúng tôi đánh giá rất cao cách thức điều hành tỷ giá mới này của NHNN", chuyên gia này nhận xét.

Được biết, theo cơ chế mới, tỷ giá do NHNN công bố có tham chiếu vào tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo trọng số giao dịch.  Cụ thể, hàng ngày, NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm căn cứ vào các biến số: Đối chiếu với 1 rổ tiền tệ; Căn cứ cung cầu trên thị trường; Biến số vĩ mô như lạm phát, lượng cung tiền,… Chính vì vậy, tỷ giá trung tâm có thể thay đổi hàng ngày nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, đảm bảo sự ổn định nhất định của tỷ giá. Do đó, tỷ giá thời gian tới, dù linh hoạt song sẽ không có những biến động mạnh, gây sốc thị trường như cách tham chiếu theo tỷ giá đóng cửa mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và một số nước đang làm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tỷ giá trung tâm tăng, giảm hàng ngày sẽ khiến giới đầu cơ lướt sóng tỷ giá chùn tay với đầu cơ, do rủi ro là rất lớn. Không những thế, do tỷ giá biến động hàng ngày và với biên độ hẹp, thị trường có xu hướng đi ngang trong ngắn hạn thì tâm lý đầu cơ, "đánh quả" vào tỷ giá sẽ giảm rất nhiều.

Ngoài ra, việc điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ, tham chiếu tỷ giá trung tâm dựa trên biến động của nhiều đồng tiền, của diễn biến trong nước và quốc tế sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời tình hình cung-cầu trên thị trường và hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Thêm nhiều công cụ điều hành tỷ giá 

Theo tiết lộ của các chuyên gia kinh tế tham dự buổi tham vấn về cơ chế tỷ giá mới, sắp tới, NHNN cũng sẽ triển khai thêm nhiều nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa NHNN với các ngân hàng thương mại. Đây là một bước đi sáng tạo của NHNN trong việc làm phong phú thêm danh mục các công cụ điều hành, qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả các biện pháp can thiệp nhằm định hướng tỷ giá thị trường theo mục tiêu điều hành, đảm bảo cung-cầu ngoại tệ, đồng thời là cú hích hỗ trợ sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ trong nước.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét: "Kế hoạch thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa NHNN với các ngân hàng thương mại cho thấy NHNN đã nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm quản lý và điều hành có hiệu quả thị trường ngoại tệ. Đây là bước đi phù hợp, hỗ trợ cho việc triển khai cách thức điều hành tỷ giá mới".

Trên thực tế, các nghiệp vụ phát sinh phát triển cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính như kinh nghiệm của các nước.

Có thể thấy, NHNN đã chuẩn bị chủ động và kỹ lưỡng một gói giải pháp đồng bộ để vận hành thị trường ngoại tệ hiệu quả hơn, nhằm hướng tới mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế một cách triệt để hơn. Hàng loạt giải pháp mà cơ quan này thực hiện thời gian qua như cam kết biên độ điều chỉnh tỷ giá, chuyển quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ, thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ, siết chặt giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng ... đều nhắm tới mục đích giảm tâm lý đầu cơ, găm giữ  ngoại tệ, dần tách chức năng tiền tệ, tín dụng ra khỏi ngoại tệ, từ đó, nâng cao vị thế tiền đồng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư