Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tỷ lệ chuyển đổi số trong ngành gỗ còn thấp
Hoài Sương - 09/06/2024 10:10
 
Việc chuyển đổi số trong ngành gỗ còn thấp do tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài ra, sản phẩm trong ngành khá đặc thù nên hoạt động chuyển đổi còn nhiều thách thức.

Chuyển đổi số còn nhiều thách thức

Ngày 8/6, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức talkshow “Chuyển đổi số ngành gỗ” để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số sản xuất, nhận thức và bước đầu thực hành giảm thải carbon.

Chế biến gỗ, sản xuất nội thất Việt Nam được xem là ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trong ngành ở quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất, gia công.

Talkshow “Chuyển đổi số ngành gỗ”.

Ông Hà Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Techworld thông tin, với hơn 15 năm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hệ thống quản lý và chuyển đổi số thì ngành gỗ là ngành có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số nhất ít nhất. Nguyên nhân là do, hiện số lượng doanh nghiệp trong ngành gia công là chủ yếu.

“Ngoài ra, để so sánh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không thể khi được đầu tư chuyển đổi số và có hệ thống quản lý một cách bài bản. Còn với doanh nghiệp Việt, khi đi từ hộ kinh doanh gia đình hoặc tư nhân nhỏ và vừa nên việc chuyển đổi số chưa được đánh giá cao cũng như chưa đủ chuyên môn để thực hiện”, ông Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, với ngành gỗ, câu chuyện triển trai hệ thống quản trị và chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, mất thời gian và nhiều sai sót… do đặc thù sản xuất nhiều công đoạn, mỗi nguyên phụ liệu đều có nét đặc trưng riêng; có tác động bởi yếu tố mỹ thuật, nghệ thuật…

Bà Nguyễn Thị Linh Vy, Giám đốc Công ty TNHH Imity cho hay, cách đây 2 năm, doanh nghiệp có tham gia các hội thảo trong ngành và ấp ủ dự định thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, dù tìm đến một vài đơn vị để nghe tư vấn nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tìm thấy sự phù hợp vì sản phẩm ngành gỗ khá đặc trưng. Đồng thời, một vài doanh nghiệp bạn cũng đang thực hiện chuyển đổi số nhưng không thành công khiến Imity e dè hơn.

“Chuyển đổi số là mục tiêu đứng thứ hai trong kế hoạch đầu tư của Imity, chúng tôi đang muốn thực hiện nhưng làm thế nào để thành công đang là nỗi lo của doanh nghiệp. Vì vậy, Imity đang tìm kiếm những giải pháp vừa phù hợp cho ngành gỗ, vừa hợp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Vy kỳ vọng.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện giải pháp chuyển đổi số đầy đủ từ thiết kế sản xuất đến thi công chỉ mới dừng lại ở vài cái tên nổi bật như: AA Corporation, An Cường, Trần Đức, Trường Thành…

Theo ông Trần Anh Vũ, Phó phòng logistics Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA thông tin, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số từ năm 2009, đến nay AA vẫn luôn cập nhật các phiên bản mới hơn. Song song đó, doanh nghiệp còn sử dụng các phần mềm quản lý kho bãi, xuất hàng, quản lý dữ liệu…

“Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều phần mềm, ứng dụng đôi khi cũng gây ra thách thức, hạn chế. Dù doanh nghiệp có tham khảo, tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhau nhưng cũng rất khó để một phần mềm mang tính tổng thể để có thể tích hợp tất cả các yêu cầu về chuyển đổi số. Vì vậy, một số yêu cầu mang tính đặc trưng tại Việt Nam sẽ do nhân sự công nghệ của AA thực hiện”, ông Anh Vũ cho hay.

Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp ngành gỗ dần được quan tâm và đầu tư hơn.

Tăng cường tìm hiểu, đầu tư

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, đơn hàng bị tác động, đi kèm là các tiêu chuẩn quốc tế đặt ra ngày càng cao của nhiều thị trường nhập khẩu… việc chuyển đổi số là tất yếu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong ngành gỗ.

“Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi số hoặc chuyển đổi số không thành công. Do đó, cần có giải pháp tổng thể về thiết kế và lên ý tưởng sản phẩm để quản lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu… đến các phòng ban liên quan, đồng thời kết nối vào hệ thống quản trị doanh nghiệp để vận hành vào hệ thống sản xuất”, ông Tất Thắng nêu giải pháp.

Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần xác định rõ trọng tâm cần chuyển đổi số. Cụ thể, doanh nghiệp có thể lựa chọn chuyển đổi số để tăng lợi thế kinh doanh, giảm chi phí về nguồn nhân lực hay tăng tốc trong quá trình sản xuất… Như vậy, trong lộ trình 3-5 năm, doanh nghiệp có thể lựa chọn hoạt động chuyển đổi số nào là ưu tiên để đầu tư thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Linh Vy, Giám đốc Công ty TNHH Imity, doanh nghiệp hiện có các nền tảng cơ bản, vì vậy, doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi số cho các phòng ban, tăng sự liên kết sự các bộ phận. Đồng thời, Imity muốn số hóa khâu sản xuất để ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể theo dõi hoạt động từ xa và chất lượng sản xuất tại nhà máy.

“Hiện nay, việc chuyển đổi số ở mỗi ngành hàng là khác nhau. Với ngành gỗ, đây là một câu chuyện rất dài, chỉ riêng việc dán QR code cũng đủ để thấy sự phức tạp khi có quá nhiều chi tiết mỏng, nhỏ; hình dạng khác nhau; nguyên liệu đầu vào đa dạng… Tuy nhiên, với AA, chúng tôi không ngại đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số, tìm kiếm thêm các giải pháp mới trong thời gian tới”, ông Trần Anh Vũ, Phó phòng logistics Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA chia sẻ.

Chi phí logistics là trở ngại khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Dù số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trong 5 năm gần đây nhưng chi phí logistics cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư