Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tỷ phú Hồng Kông hoàn tất mua Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif, chuẩn bị đổi thương hiệu
Hà Tâm - 11/04/2020 09:58
 
Hôm qua (9/4), Tập đoàn FWD ("FWD") của tỷ phú Hồng Kông Richard Li chính thức thông báo đã nhận được sự chấp thuận theo luật định cho việc mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif ("VCLI").
VCB và FDW tại lễ ký kết năm 2019
Đại diện Vietcombank và FWD tại lễ ký kết Hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng Vietcombank năm 2019

Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng Giám đốc Tập đoàn FWD cho biết: "Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh nhất tại Châu Á và chúng tôi vui mừng mở rộng sự hiện diện của mình tại đây thông qua giao dịch quan trọng này. Chỉ trong vòng một vài năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam, FWD đã khẳng định mình là một thương hiệu trẻ, năng động, và khác biệt. Việc mua lại này là minh chứng vững chắc cho niềm tin của chúng tôi vào sự tăng trưởng và tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam."

"Tôi rất vui vì chúng tôi có thể bắt đầu mở ra một chương mới đầy hứng khởi và cá nhân tôi mong muốn được chào đón tất cả các nhân viên, đội ngũ kinh doanh và khách hàng của VCLI đến với FWD. Chúng tôi sẽ cùng nhau hợp tác để phát triển kinh doanh, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, tích cực cho khách hàng và từ đó thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm."

FWD sẽ sớm đổi tên công ty mới mua lại và việc chuyển đổi thương hiệu chính thức sẽ được diễn ra trong vài tháng tới. Việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng hiện tại với VCLI. FWD sẽ tiếp tục chăm sóc tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện tại của VCLI sau khi hoàn tất giao dịch.

VCBL là công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ("Vietcombank") và BNP Paribas Cardif. Việc mua lại VCLI giúp FWD mở rộng sự hiện diện và tăng thị phần của mình tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. FWD mong được chào đón chính thức các nhân viên, đối tác kinh doanh và khách hàng của VCLI ngay sau sự kiện này.

Trước đó, cuối năm 2019, Ngân hàng TMCP Vietcombank và Tập đoàn Bảo hiểm FWD (Hồng Kông) đã tổ chức Lễ ký kết Hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Hợp đồng có thời hạn 15 năm.

Theo thỏa thuận hợp tác, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Như một phần trong giao dịch, FWD cũng đồng ý mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI), công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif. Giao dịch này đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan chức năng.

Phát biểu tại sự kiện hợp tác khi đó, ông Richard Li, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Pacific Century khẳng định rất vui mừng khi đạt được thỏa thuận thành công chuyển nhượng VCLI và hợp tác với Vietcombank.

"Việc hợp tác với Vietcombank nằm trong chiến lược trở thành công ty có kênh phân phối bảo hiểm hàng đầu châu Á của FWD", ông Li nói.

Giá trị thương vụ không được hai bên công bố trong lễ ký kết, song theo tìm hiểu của báo Đầu tư, trước mắt Vietcombank sẽ nhận về 400 triệu USD cho thương vụ hợp tác này.

Gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam 4 năm trước, FWD đã nhanh chóng lọt top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam trong thời gian ngắn. FWD là Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ trực thuộc Tập đoàn Pacific Century của Richard Li, tỷ phú đứng thứ 413 thế giới với giá trị tài sản ròng 4,6 tỷ USD. Ông Richard Li, cũng là con trai út của tỷ phú Hong Kong Ly Ka Shing.  

Trong 7 năm qua, Tập đoàn này chi hàng tỷ USD để mở rộng thị trường bảo hiểm ở các nước châu Á. Vào tháng 7/2019, FWD chi 3 tỉ USD để mua Công ty bảo hiểm nhân thọ SCB (SCB Life) thuộc ngân hàng Siam (Thái Lan) đồng thời ký thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng này. Trước đó, Tập đoàn FWD cũng đã công bố đạt được thỏa thuận mua lại MetLife Hồng Kông.

Việc hợp tác giữa ngân hàng mạnh nhất Việt Nam với Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á được dự báo sẽ làm khuấy động thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam.  

Cuộc chiến thị phần ngành bảo hiểm: FWD và VCLI đang ở đâu?
Chi gần 800 tỷ đồng mua lại Great Eastern Việt Nam cùng gần 1.800 tỷ đồng góp thêm vốn sau đó, FWD mới đây lại có thêm thương vụ lớn giành quyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư