-
Western Pacific tối ưu lợi thế cụm liên kết ngành khu công nghiệp và logistics -
Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và doanh nghiệp Thái Lan -
SABECO khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngành bia SABECO -
Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải trực tiếp tới Mỹ -
TP.HCM xin Thủ tướng cơ chế xóa nợ quá hạn cho doanh nghiệp phá sản
Mục tiêu của Tyna Giang khi thành lập Biophap là đưa nông sản hữu cơ Việt Nam sang châu Âu. |
Chuyện của người “lội ngược dòng”
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng năm 2005, Tyna Giang sang Paris (Pháp) học ngành khoa học kinh tế và MBA ngành khách sạn và du lịch tại Trường Vatel (Pháp) tại Argentina. Lẽ thường, với những sự bảo chứng về bằng cấp và kiến thức ấy, cô có thể hài lòng với cuộc sống đủ đầy ở những đất nước phát triển. Và thực tế, Tyna Giang đã có công việc khá ổn và một gia đình nhỏ tại Paris hoa lệ.
Khi Tyna Giang quyết định về Việt Nam và thành lập Công ty Biophap năm 2015 để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm hữu cơ, không ít người thân đã phản đối kịch liệt, thậm chí còn bảo cô mơ mộng, xa rời thực tế. Đã vậy, cô lại chọn khu đất 14 ha nằm sâu trong những cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên, thuộc xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) để đặt trang tại đầu tiên. Theo lời kể của nhiều người, điều kiện sống ở đây lúc đó chẳng khác thời nguyên thủy là mấy: không đường bê tông, không sóng di động, không sóng truyền hình, không đường điện…
“Sau 10 năm ở nhiều nước trên thế giới, phản xạ tiếng Việt của tôi không tốt, nhất là về chuyên ngành nông nghiệp. Tuổi đời còn trẻ, lại không hiểu văn hóa địa phương, trong khi đồng bào Bahnar lại không sõi tiếng Kinh”, Tyna Giang nhắc lại một loạt khó khăn khi làm dự án đầu tiên.
Giang bình thản tiếp nhận những khó khăn, kể cả sự phản đối của người thân, thậm chí, cô còn cho rằng, mình thật may mắn khi “còn có thể lội ngược dòng”. Chính điều ấy khiến cô đủ mạnh mẽ để từ bỏ nghề quản trị khách sạn và du lịch để làm “nông dân thời nay”, với mong muốn khác biệt là thay đổi hình ảnh về nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
CEO Biophap chia sẻ, dù không có kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ, nhưng vì là người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ từ nhiều năm, có kinh nghiệm quản lý, nên cô có cơ sở để “dấn thân” vào con đường đã chọn. Theo Tyna Giang, Việt Nam có một truyền thống nông nghiệp lâu đời, dân số tăng với độ tuổi trung bình trẻ, có nhiệt huyết khám phá và học hỏi, thị trường lao động lẫn tiêu thụ đều rất tiềm năng để phát triển nội địa và xuất khẩu.
“Tôi rất muốn thay đổi tập tục đốt rừng làm nương rẫy của người dân địa phương để chuyển sang nông nghiệp hữu cơ bền vững. Họ sống dựa vào rừng, nên để họ vẫn sống với rừng, mà lại hòa nhập được với cuộc sống hiện đại thì cần một mô hình mới, đó là làm nông nghiệp bền vững và phải thuyết phục được cả chuỗi giá trị ủng hộ”, Tyna Giang bày tỏ.
Triết lý của Biophap
Trở lại câu chuyện về dự án đầu tiên của Biophap với 10 hộ dân Bahnar ở xã Đăk Pne, theo Tyna Giang, chỉ đam mê và niềm tin của riêng mình thì chưa đủ để dự án thành công, mà phải truyền niềm tin và cảm hứng cho các cộng sự, đặc biệt là những người dân tham gia dự án.
Giang kể, những ngày đầu làm dự án, người dân Bahnar không chịu nói chuyện với cô, nhưng với sự kiên trì mỗi ngày của CEO Biophap, họ bắt đầu nói chuyện, nhìn mặt, rồi tin tưởng cầm tay cô… Cảm động nhất là khi thuyết phục được họ quay về sản xuất trên khu đất nhà nước giao nhưng đã bỏ hoang từ năm 2009 và không có hồ sơ lưu trữ thông tin về chủ sở hữu đất.
“Khi đã hiểu và thông rồi, mấy chục người đang họp từ xã liền cùng nhau đi bộ đến rẫy cách đó hơn 10 km. Mỗi người đứng vào ô đất của mình và tôi cùng các bạn nhân viên đi vẽ lại, sau đó gửi cho cơ quan quản lý để làm hồ sơ đất. Niềm tin cứ thế mà tăng dần lên, đến giờ, chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn 4 năm rồi”, Tyna Giang bùi ngùi nhớ lại.
Triết lý của Biopháp tập trung vào 3 giá trị cốt lõi: hữu cơ, đạo đức xã hội và sáng tạo đột phá. Ban đầu, Biophap đầu tư toàn bộ giống, phân, chi phí…, đến năm 2018, các hộ dân đã bắt đầu tự chủ được phân, giống, đất cải tạo tốt hơn, cây lâu năm phát triển xen với cây ngắn ngày… Dự án đã làm thay đổi nhận thức của họ và bây giờ, họ đã tự thành lập hợp tác xã để chuyển đổi các rẫy cây lâu năm khác sang làm nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, với cam kết “Fair for Life - công bằng cho cuộc sống” khi tham gia dự án cùng Biophap, cuộc sống của người dân Bahnar được cải thiện đáng kể, những tệ nạn như cho con nghỉ học sớm, tảo hôn, uống rượu, dùng các sản phẩm độc hại cho môi trường… giảm dần.
Thời gian đầu, Biophap tập trung xây dựng chuỗi giá trị với cây hồ tiêu trồng xen lẫn các cây ăn trái, dược liệu và gia vị khác. Các chuyên gia của Biophap đã thử nghiệm những loại cây rất đặc biệt từ châu Âu, như rosemary (hương thảo) vừa làm cây gia vị, dược liệu, vừa có tác dụng xua đuổi côn trùng; cây mâm xôi vàng; cây kiwi; cây việt quất… có giá trị kinh tế rất cao để nghiên cứu phát triển.
Đến nay, trang trại của Biophap đã có hơn 20 loài hoa, hàng chục loại dược liệu, cây ăn quả và gia vị với những “trái ngọt” đầu tiên: hơn 1 tấn bột nghệ hữu cơ; hàng trăm kilogram dược liệu đã được các chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ trong và ngoài nước đặt hàng với giá cao hơn các sản phẩm canh tác vô cơ. Từ dự án đầu tiên, năm 2018, Biophap mở rộng vùng sản xuất 100 ha với người nông dân trồng tiêu ở Gia Lai và các vùng lân cận.
Hiện nay, Biophap đang đầu tư vào chế biến và hệ thống thông tin công nghệ cao. Từng cây trồng trong trang trại, các chất đầu vào hay khí hậu… đều được theo dõi và số hoá. Khách hàng trên toàn thế giới chỉ cần dùng smartphone, tablet quét QR code blockchain là có thể truy xuất toàn bộ thông tin từ vật tư đầu vào và các giai đoạn trong chuỗi giá trị. Các sản phẩm của Biophap đã đăng ký và đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA, JAS, AB, Fair for Life…
Thế nhưng, CEO của Biophap cho rằng, cái được lớn nhất của doanh nghiệp chính là sự tín nhiệm, đồng hành của nông dân địa phương, bao gồm các nông dân trẻ đang được đào tạo trong các trang trại mẫu, sự tin tưởng của khách hàng về chất lượng và cam kết với các giá trị cốt lõi và sự nhìn nhận chuyên nghiệp của các đối tác lẫn chính quyền địa phương.
Làm gia tăng giá trị cho người nông dân tham gia dự án để họ chủ động và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị mới là cái đích lớn nhất mà Biophap hướng đến. Chính vì vậy, ngoài việc phát triển sáng tạo, ứng dụng các công nghệ để quản lý trang trại cùng người nông dân, Biophap thu mua hàng với giá cao và trích 10% lợi nhuận để phát triển thêm các mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Ra biển lớn
Mục tiêu của Tyna Giang khi thành lập Biophap là đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ “Made in Việt Nam” sang châu Âu, thị trường mà cô hiểu khá rõ. Nhưng với những “trái ngọt” ban đầu, cô nhận ra, sản phẩm của Biophap hoàn toàn có thể chinh phục các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản… Và không thể không tính tới thị trường nội địa rộng lớn, khi mà ý thức và nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của người dân ngày càng tăng lên.
“Thị trường thực phẩm hữu cơ vẫn đang và sẽ là thị trường tăng trưởng cao, nhưng hiện nay, nhà cung cấp chuyên nghiệp ở Việt Nam không nhiều”, CEO của Biophap nhìn nhận và tin rằng, nếu có chính sách hỗ trợ tốt cho nông dân và sự tham gia đa dạng để chuỗi cung ứng hữu cơ áp dụng công nghệ sáng tạo, thì Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu về sản phẩm hữu cơ.
Đầu năm 2018, Biophap trở thành một trong 7 doanh nghiệp hữu cơ có chứng nhận quốc tế của Việt Nam tham gia Hội chợ - triển lãm Biofach được tổ chức tại Đức, với hàng ngàn doanh nghiệp hữu cơ trên thế giới đến tham dự. Dù là lần đầu tiên, song các sản phẩm của Biophap và của doanh nghiệp Việt rất được khách hàng quốc tế quan tâm, đánh giá cao và ngay tại sự kiện, đã có nhiều đơn hàng được ký kết.
Ra biển lớn, nghĩa là phải làm bài bản, quy mô lớn, tạo ra chất lượng vượt trội. Biophap đã làm chủ được kỹ thuật, công nghệ và có đủ các chứng nhận quốc tế của ngành hàng hữu cơ. Song như vậy vẫn chưa đủ nếu muốn đầu tư lớn.
Biophap đầu tư từ năm 2015 bằng vốn tự có và năm 2017 được Agribank cho vay 70% tổng vốn đầu tư 2 trang trại ở Kon Rẫy và Kon Plong với khoảng 17 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, Biophap đã xây dựng 5 trang trại mô hình và 1 nhà xưởng theo hướng vừa làm vừa nghiên cứu mô hình phù hợp với cây trồng, khí hậu và nông dân địa phương. Tuy nhiên, với hoạch định mới, Biophap cần tới nguồn lực đầu tư lớn hơn.
“Việc thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài lúc đầu gặp nhiều khó khăn về niềm tin, nhưng tôi chứng minh được rằng, mô hình hữu cơ áp dụng công nghệ sáng tạo của Biophap không chỉ đáp ứng được xu hướng thị trường cần hàng hữu cơ, mà còn có những tác động về môi trường và xã hội”, Tyna Giang chia sẻ và cho biết, một số quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đã bị thuyết phục và các bên sẽ sớm công bố việc hợp tác.
Tây Nguyên tràn đầy nắng và gió có gì hấp dẫn chị?
Nơi đây có khí hậu phù hợp với các loại cây lâu năm lẫn cây ngắn ngày, có thể trồng xen canh cây công nghiệp lẫn các cây dược liệu phù hợp với sự phát triển đa dạng sinh học lẫn sản phẩm từ dược liệu của Biophap.
Biophap tập trung vào các thế mạnh nào?
Đó là phát triển chuỗi giá trị thực phẩm hữu cơ áp dụng công nghệ cao về quản trị dữ liệu và blockchain, bởi nông nghiệp và IT là 2 thế mạnh của Việt Nam.
Kế hoạch của Biophap trong năm 2019?
Ngoài dòng trà thảo mộc và gia vị, chúng tôi sẽ đa dạng sản phẩm “ready to use” chiết xuất từ dược liệu với tinh thần “ăn là thuốc” của người Việt Nam.
-
SABECO khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngành bia SABECO -
Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải trực tiếp tới Mỹ -
TP.HCM xin Thủ tướng cơ chế xóa nợ quá hạn cho doanh nghiệp phá sản -
Cập nhật giá đơn vị Quỹ liên kết đơn vị của AIA Việt Nam ngày 20/11/2024 -
MobiFone vào danh sách nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024 -
DNP thu lời gần 700 tỷ đồng từ M&A hai nhà máy nước -
Gần 15 triệu tấn thép ngoại đổ bộ, Việt Nam tiêu tốn hơn chục tỷ USD
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025
- Ấm lòng lễ tri ân của CT Group đến các thầy cô giáo
- Tập đoàn Stavian nhận cú đúp giải thưởng trong Bảng xếp hạng Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024
- AZB - Hành trình kiến tạo "Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024"