Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Ụ nổi 83M nguy cơ hóa kiếp thành sắt vụn
Anh Minh - 21/10/2014 07:03
 
Số phận của ụ nổi 83M trị giá 9 triệu USD - tang vật của vụ đại án tham nhũng liên quan tới Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn chưa được minh định.
TIN LIÊN QUAN

Không chốn dung thân

Rất khó hình dung số phận của ụ nổi 83M lại bi đát như vậy, nếu không được tiếp cận báo cáo mới nhất về tình hình neo đậu của khối tài sản nhà nước từng được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bỏ ra tới 9 triệu USD để sở hữu.

  Đại án ở Vinalines: Ụ nổi 83M nguy cơ hóa kiếp thành sắt vụn  
  Số phận của ụ nổi 83M trị giá 9 triệu USD - tang vật của vụ đại án tham nhũng liên quan tới Vinalines vẫn chưa được minh định  

Sở dĩ phải dùng từ mới nhất là bởi cách đây đúng 4 tháng, một báo cáo tương tự đã được Vinalines gửi đến bộ chủ quản và các cơ quan chức năng kêu cứu về tình trạng “dở sống, dở chết” của ụ nổi 83M, do bị mắc kẹt trong tư cách là vật chứng của vụ án tham nhũng liên quan tới cựu Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu kêu cứu, khối tài sản này đang có nguy cơ trở thành đống sắt vụn dưới đáy sông Đồng Nai.

Theo báo cáo mới nhất được Vinalines phát đi vào giữa tháng 10/2014, ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đã bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 1/2011. Để ụ nổi đủ điều kiện khai thác, đơn vị quản lý phải bỏ ra ít nhất 50 tỷ đồng để sửa chữa.

Do nợ Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai gần 30 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố từ tháng 12/2010 đến 1/1/2013, ụ nổi 83M đã bị cắt điện từ đầu năm 2013. “Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY - đơn vị quản lý trực tiếp) đã cố gắng đàm phán, thuyết phục cảng Gò Dầu cấp lại điện chiếu sáng cho ụ nổi để đảm bảo an toàn, nhưng không được chấp thuận”, ông Lê Triêu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, do Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam dừng thực hiện và VNSLY từ năm 2011 đến nay không sản xuất - kinh doanh, nên khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính với chủ cảng hay sửa chữa để ụ không bị xuống cấp thêm là không có.

Hiện ụ nổi 83M là chủ thể của vụ tranh chấp quyết liệt giữa chủ cảng Gò Dầu và Vinalines. Sau khi đề nghị thanh toán 26,871 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M từ tháng 12/2010 đến 1/1/2013, nhưng không được hồi đáp, chủ cảng đã khởi kiện Vinalines ra Tòa án Nhân dân huyện Long Thành (Đồng Nai). Cuối tháng 12/2013, tại phiên hòa giải lần hai giữa các bên liên quan do Tòa án Nhân dân huyện Long Thành tiến hành, cảng Gò Dầu đồng ý có đơn xin rút đơn kiện và sẽ khởi kiện vào thời gian thích hợp.

Trước đó, chủ cảng đã chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng thuê neo đậu và hợp đồng kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M với VNLSY từ ngày 1/1/2013 và yêu cầu VNLSY di dời ụ nổi này đi nơi khác neo đậu chậm nhất là ngày 1/4/2013. Phía cảng Gò Dầu cũng “đe” rằng, nếu không thực hiện di dời, VNLSY và Vinalines phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi sự cố, thiệt hại phát sinh xảy ra đối với ụ nổi 83M, cũng như thiệt hại do ụ nổi gây ra đối với tài sản của cảng.

Cứu ụ nổi thoát vấn nạn “chứng cứ”

Trên thực tế, ụ nổi 83M đã “gây họa” cho chủ cảng, khi bị trôi dạt do thủy triều xuống thấp vào giữa tháng 7/2014, dẫn đến kéo căng dây neo buộc, làm gẫy trụ buộc dây B3. Chủ cảng đã gửi yêu cầu bồi thường và lập dự toán thi công lại trụ buộc dây B3 với giá trị khoảng 772 triệu đồng. Hiện các bên liên quan đang xem xét để thống nhất giá trị và phương án thi công xử lý.

Phía VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án “đau xót” là đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại. Đối với đề nghị của Cảng vụ cảng Đồng Nai về tăng cường phương tiện lai dắt, VNLSY cũng đã liên hệ với nhiều đối tác để đàm phán thuê 2 tàu lai trực sự cố, nhưng đều bị từ chối vì đơn vị quản lý ụ nổi không có bất cứ nguồn tài chính nào để thanh toán.

Được biết, mặc dù được đánh giá là mua hớ, nhưng số phận của ụ nổi 83M không chỉ có con đường duy nhất là “xẻ” thịt bán sắt vụn. Nhà máy Đóng tàu Ba Son từng đề xuất Vinalines 2 phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi 83M. Cụ thể, trong phương án 1, Nhà máy Đóng tàu Ba Son nhận chuyển nhượng theo thực trạng trên cơ sở thẩm định lại giá trị thực tế và sẽ tự di chuyển ụ nổi về cơ sở của Nhà máy để thực hiện sửa chữa, đưa vào hoạt động.

Với phương án 2, Nhà máy và VNLSY cùng khảo sát, lập dự toán tổng thể các chi phí sửa chữa để đưa ụ nổi 83M về tình trạng sẵn sàng hoạt động. Phía Ba Son sẽ tự di chuyển, ứng toàn bộ vốn sửa chữa, sau đó hai bên tiến hành bàn giao chính thức ụ nổi 83M trong trạng thái sẵn sàng hoạt động cho Nhà máy Sửa chữa, Đóng mới tàu biển Quân đội.

“Với cả hai phương án trên, Vinalines chắc chắn thu hồi được khoản kinh phí lớn hơn nhiều so với việc “hóa khiếp” ụ nổi bằng cách bán sắt vụn”, lãnh đạo Vinalines cho biết.

Tuy nhiên, phương án hợp tác này bị đổ vỡ, do ụ nổi M83 hiện vẫn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Bộ Giao thông - Vận tải xác định là vật chứng của vụ án tham nhũng tại Vinalines. Với yêu cầu nói trên, ụ nổi M83 phải được quản lý, bảo quản và không được bán thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.

Điều khó hiểu là tại phiên toà sơ thẩm (tháng 12/2013) và phúc thẩm (5/2014), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C48) đã xác định, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP - Singapore, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 366,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Vinalines, trong các cáo trạng và bản án phúc thẩm đã tuyên, ụ nổi không có trong danh mục vật chứng của vụ án.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các bước đi cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi 83M, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này”, ông Thanh đề nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư