Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
UBS mua Credit Suisse trong nỗ lực ổn định hệ thống ngân hàng
Tư Thuần - 20/03/2023 11:07
 
UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với 3 tỷ francs (3,2 tỷ USD). Thương vụ này được thúc đẩy và hỗ trợ bởi giới chức quản lý Thuỵ Sỹ trong nỗ lực ổn định hệ thống ngân hàng.

“Với việc UBS tiếp quản Credit Suisse, giải pháp đã được tìm thấy để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thuỵ Sỹ khỏi những tình huống không mong muốn”, thông điệp từ Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ cho biết.

Cơ quan này nhấn mạnh việc Chính phủ và Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thuỵ Sỹ sẽ đảm bảo cho quá trình sáp nhập của 2 nhà băng lớn nhất quốc gia này. 

Theo thoả thuận đạt được, cứ 22,48 cổ phiếu Credit Suisse sẽ nhận được 1 cổ phiếu UBS. Sau khi sáp nhập, khối tài sản nằm dưới sự quản lý của UBS sẽ đạt 5.000 tỷ USD. 

“Thoả thuận này tuy có hấp dẫn đối với cổ đông UBS, nhưng để tôi nói rõ ràng rằng, chừng nào Credit Suisse còn là mối lo lắng, thì đây vẫn là trường hợp giải cứu khẩn cấp. Chúng tôi đã cấu trúc toàn bộ quá trình để có thể duy trì các giá trị còn lại của doanh nghiệp, trong khi giảm thiểu các rủi ro”, Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết.

Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ sẽ cung cấp góp vay trị giá 100 tỷ francs (108 tỷ USD) để đảm bảo thương vụ M&A thành công. Chính phủ Thuỵ Sỹ cũng cam kết góp tài chính lên tới 9 tỷ franc “nhằm giảm thiểu mọi rủi ro đối với UBS”.

“Đây là một giải pháp thương mại, không phải một chương trình giải cứu”, Bộ trưởng Tài chính Thuỵ Sỹ Karin Keller-Sutter cho biết trong cuộc họp báo ngày Chủ nhật (19/3).

Thương vụ giữa UBS và Credit Suisse được thúc đẩy nhanh nhất có thể để có thể công bố trước khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/3), sau khi giá cổ phiếu Credit Suisse đã có tuần giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Trong 2 tuần qua, Credit Suisse đã trải qua loạt scandal rúng động thị trường, khiến tâm lý giới đầu tư chịu ảnh hưởng mạnh. Có nhiều lý do để các thành viên thị trường lo lắng về sự ổn định của hệ thống ngân hàng, nhất là sau khi loạt ngân hàng tại Mỹ sụp đổ, xuất phát từ cái tên đầu tiên là Silicon Valley Bank, tiếp theo đó là khủng hoảng lan sang châu Âu với Credit Suisse.

Khủng hoảng của Credit Suisse sẽ có tác động tới nền kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều so với các ngân hàng địa phương tại Mỹ như Silicon Valley Bank, bởi quy mô và vị thế của nhà băng này vượt trội. Quy mô tài sản của Credit Suisse lớn gần gấp đôi quy mô của Lehman Brothers khi nhà băng này sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toán cầu năm 2008.

Tính tới cuối năm 2022, quy mô tài sản Credit Suisse vào khoảng 530 tỷ francs. Chưa kể, các mỗi liên kết và sự thâm nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu ở mức độ sâu rộng hơn nhiều, khiến việc “giải cứu” Credit Suisse là cấp thiết.

Toàn cảnh drama Credit Suisse: Hàng loạt bê bối cho tới ngày khủng hoảng thanh khoản
Trong vài năm trở lại đây, “vận xui” dường như bám riết Credit Suisse cho tới khủng hoảng mới nhất buộc Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ phải can...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư