Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Ứng dụng AI trong phòng chống tội phạm mạng
Nguyễn Hoàng Nam - 24/03/2024 11:21
 
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động liên quan đến giải quyết tội phạm mạng trên khắp thế giới.

Tận dụng khả năng của AI

Ngày nay, các mối đe dọa an ninh mạng trở thành nỗi lo của hầu hết các quốc gia, tình trạng hạ tầng mạng bị xâm nhập có dấu hiệu gia tăng. Báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho thấy, tối thiểu 422 triệu cá nhân bị ảnh hưởng, số lượng đơn khiếu nại về các cuộc tấn công mạng gửi tới bộ phận điều tra lên tới 800.944 đơn vào năm 2022. Năm 2023, gần 33 tỷ tài khoản bị xâm phạm, tổng chi phí thiệt hại khoảng 8.000 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng lên 10.500 tỷ USD vào năm 2025.

Có thể thấy, các thiết bị vật lý và sự can thiệp của con người không đủ để giám sát và đảm bảo an toàn. Do đó, cần xây dựng các hệ thống AI cho việc “phòng thủ” trên môi trường không gian mạng, ngăn chặn các đợt tấn công an ninh mạng phức tạp; phát hiện nhiều mối đe dọa khác nhau và đưa ra quyết định thông minh theo thời gian thực.

Các công ty truyền thông xã hội như Facebook, Whatsapp, Twitter, Youtube, Instagram, LinkedIn… đang sử dụng công nghệ máy học để chặn nội dung bất hợp pháp từ những hình ảnh, video có nội dung khiêu dâm trẻ em. Nhiều ngân hàng và tập đoàn lớn trên thế giới cũng sử dụng AI để phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận nội bộ và phòng chống rửa tiền.

Tiêu biểu như năm 2017, Ngân hàng HSBC hợp tác với công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Ayasdi Inc có trụ sở tại Thung lũng Silicon để tự động hóa một số quy trình tuân thủ trong nhận dạng gian lận, cảnh báo sai phạm và phát hiện các tội phạm tài chính (giao dịch nội gián, tham nhũng).

Bên cạnh đó, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds tại Vương quốc Anh triển khai AI trong phân tích dữ liệu khách hàng và phát hiện các dấu hiệu lợi dụng, lạm dụng tài chính. Ngân hàng Standard Chartered đã và đang sử dụng AI để phát hiện hoạt động đáng ngờ bằng việc xem xét người đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến có phải là khách hàng hay không thông qua công nghệ học máy.

Trong thông cáo báo chí tháng 7/2023, Mastercard cho biết, các giải pháp an ninh mạng được hỗ trợ bởi AI của tập đoàn công nghệ này đã ngăn chặn hơn 35 tỷ USD thiệt hại do gian lận trên toàn cầu trong 3 năm qua. Chính vì vậy, thời gian tới, Mastercard sẽ tiếp tục tận dụng khả năng của AI để chống lừa đảo thanh toán theo thời gian thực.

Bước tiến mới

Chiến lược điều tra tội phạm mới tập trung vào công nghệ coi AI là phương tiện công nghệ thông tin chính để giải quyết và điều tra tội phạm. Các nghiên cứu cho thấy, AI có tiềm năng trở thành một phần lâu dài trong môi trường tư pháp, hỗ trợ điều tra và cho phép các chuyên gia tư pháp hình sự duy trì an ninh công cộng tốt hơn.

Viện Tư pháp quốc gia Mỹ (NIJ) đang áp dụng AI trong giải quyết các vụ án, như xác định cá nhân và hành động của đối tượng tình nghi liên quan đến hoạt động phạm tội bằng cách thu thập thông tin về con người, đồ vật và hành động để hỗ trợ điều tra thông qua phân tích video và hình ảnh.

Bên cạnh việc giúp phân biệt phương thức thực hiện (truy cập trái phép dữ liệu người dùng, lây lan mã độc hại trên hệ thống máy tính, hành vi gian lận trực tuyến, vi phạm bản quyền trực tuyến, tấn công mạng, thực hiện giao dịch phi pháp…) và tìm kiếm thiết bị công nghệ, công nghệ AI còn được sử dụng trong việc phân tích pháp y để xác định ADN tội phạm.

Tại Vương Quốc Anh, trong một thử nghiệm của cảnh sát tại quận Humberside, các cuộc gọi đến cơ quan công an sẽ được một hệ thống phần mềm AI do công ty khởi nghiệp Untrite AI cung cấp ghi nhận lại và phân tích thông tin. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin về các đối tượng được nhắc đến trong điện thoại thông qua chức năng tìm kiếm theo thời gian thực từ hệ thống AI liên kết trực tiếp với cơ sở dữ liệu của cảnh sát...

Gần đây, nhóm nghiên cứu ở Đại học Chicago công bố đã phát triển thuật toán AI có thể dự đoán tội phạm trong tương lai trước một tuần với độ chính xác 90%. Xa hơn, ngành an ninh mạng thế giới kỳ vọng vào khả năng dự đoán của AI trong việc xác định tội phạm công nghệ cao, cụ thể là địa điểm phạm tội có thể xảy ra và những đối tượng có khả năng thực hiện hành vi trái pháp luật.

“Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”: Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 chính thức khởi động, với chủ đề bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư