Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Ứng dụng công nghệ mới trong điều trị nhồi máu cơ tim
D.Ngân - 12/08/2024 15:43
 
Can thiệp động mạch vành qua da là chiến lược tái tưới máu cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp kết hợp công nghệ hiện đại giúp tăng hiệu quả điều trị tối đa.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột do mảng xơ vữa nứt hoặc vỡ, hình thành cục huyết khối làm bít lòng mạch.

Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, cần phải tái thông mạch vành càng sớm càng tốt để cứu sống cơ tim và tránh các biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp, thậm chí tử vong.

Can thiệp động mạch vành qua da là chiến lược tái tưới máu cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp kết hợp công nghệ hiện đại giúp tăng hiệu quả điều trị tối đa.

Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần được đưa đến cơ sở y tế có khả năng tái tưới máu động mạch vành càng sớm càng tốt, tăng khả năng cứu sống.

Các phương pháp tái tưới máu bao gồm tiêu sợi huyết (dành cho bệnh nhân đến viện sớm và không có chống chỉ định, đặc biệt ở các cơ sở y tế chưa có khả năng can thiệp động mạch vành), phẫu thuật bắc cầu chủ - vành (trường hợp tổn thương nặng ba thân động mạch vành), và can thiệp động mạch vành qua da.

Can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp tái tưới máu cấp cứu hiệu quả nhất cho nhồi máu cơ tim cấp, mang lại nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân.

Đặc biệt, hiện nay việc ứng dụng thêm nhiều công nghệ hiện đại, như kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT), hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), giúp tăng hiệu quả điều trị, đẩy nhanh thời gian phục hồi cho bệnh nhân.

Như trường hợp ông B., 53 tuổi, nhập viện với nhồi máu cơ tim cấp, mảng xơ vữa gây hẹp 95% động mạch liên thất trước. Bác sỹ sử dụng kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT) để xác định chính xác kích thước lòng mạch bị hẹp và đặt stent kích thước lớn. Sau can thiệp, ông B. hết khó thở và đau ngực, xuất viện sau 2 ngày.

OCT là kỹ thuật hình ảnh tiên tiến sử dụng ánh sáng để tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao của lòng mạch, giúp bác sỹ quan sát rõ cấu trúc mảng xơ vữa và đánh giá tình trạng mạch máu một cách chi tiết. Nhờ OCT, bác sỹ có thể đảm bảo stent được mở rộng tối đa và áp chặt vào thành mạch, giảm nguy cơ tái hẹp và các biến chứng khác.

Trường hợp khác là anh T., 47 tuổi, nhập viện với cơn đau thắt ngực dữ dội và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim có ST chênh lên. Bác sỹ đã đặt stent để tái thông động mạch vành dưới sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS).

VUS là công nghệ hình ảnh tiên tiến cho phép bác sỹ nhìn rõ cấu trúc bên trong mạch vành. Thiết bị IVUS được đưa vào lòng mạch qua một catheter nhỏ, phát sóng siêu âm để tạo hình ảnh chi tiết của lòng mạch và cấu trúc mảng xơ vữa. Điều này giúp bác sỹ đánh giá chính xác mức độ hẹp và độ dày của mảng xơ vữa, từ đó lựa chọn kích thước và vị trí đặt stent phù hợp.

Ngoài ra, IVUS còn giúp phát hiện các biến chứng tiềm ẩn như mảng xơ vữa không ổn định, nứt vỡ hoặc huyết khối, từ đó điều chỉnh chiến lược can thiệp để đạt hiệu quả tối ưu và giảm nguy cơ tái hẹp. Sau can thiệp, anh Thắng không còn đau ngực và xuất viện sau 3 ngày.

Bà B., 89 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với nhồi máu cơ tim cấp, suy tim và huyết áp tụt thấp. Bà được chẩn đoán có động mạch vành bị tổn thương vôi hóa nặng, gần như tắc hoàn toàn dòng chảy mạch máu chính.

Trường hợp này, bác sỹ đã quyết định sử dụng kỹ thuật rotablator (khoan cắt mảng vôi hóa bằng mũi khoan kim cương) để xử lý mảng vôi hóa nặng này. Rotablator là một thiết bị sử dụng một mũi khoan nhỏ để mài và cắt bỏ các mảng vôi hóa trong lòng động mạch, giúp tái thông dòng máu và chuẩn bị tốt hơn cho việc đặt stent.

Kỹ thuật rotablator có giá trị đặc biệt trong những trường hợp động mạch bị vôi hóa nặng, khi các phương pháp can thiệp thông thường khó có thể đạt hiệu quả.

Bằng cách loại bỏ các mảng vôi hóa, rotablator giúp đảm bảo stent có thể mở rộng tối đa và áp sát vào thành mạch, rút ngắn thời gian can thiệp, giảm nguy cơ tái hẹp và cải thiện kết quả điều trị.

Sau khi sử dụng rotablator để xử lý mảng vôi hóa, các bác sỹ đã thành công đặt stent tái tưới máu cứu được nhánh mạch vành bị tắc. Ngay sau can thiệp, sức khỏe của bà Bé cải thiện rõ rệt, giảm đau ngực và huyết áp dần ổn định.

Theo Thầy thuốc Nhân dân, PGS. Bạch Yến, các kỹ thuật mới như siêu âm trong lòng mạch (IVUS), cắt lớp quang học động mạch vành (OCT) và rotablator là những bước tiến công nghệ mới giúp đánh giá chính xác tổn thương mạch vành, tối ưu hóa kết quả đặt stent mạch vành, từ đó tối ưu kết quả điều trị cho người bệnh.

Bên cạnh đó, cho dù người bệnh đã được điều trị đặt stent tái tưới máu thành công song vấn đề xơ vữa động mạch vẫn còn đó và có thể gây hẹp ở những vị trí mạch khác (mạch vành, mạch cảnh, mạch chi trên chi dưới,…).

Vì vậy, người bệnh cần thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn thức ăn có ít cholesterol, hạn chế mỡ, muối…; điều trị một số bệnh có liên quan như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…; và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc đặc hiệu… để điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư