Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ứng dụng công nghệ trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất lịch sử
Tú Ân - 26/07/2021 08:22
 
Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19, việc ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt, đặc biệt quan trọng.
Ảnh minh họa.
Việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online

Từ tháng 7/2021 đến hết quý I/2022, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện, với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm trong năm 2021 và đến hết quý I/2022, trên 70% dân số được tiêm, với khoảng 150 triệu mũi tiêm.

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin  phòng Covid-19 đánh giá, chiến dịch tiêm chủng này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng Việt Nam.

“Chiến dịch sẽ phải ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, từ đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng. Bằng giải pháp công nghệ thông tin, chúng ta theo dõi thực từng liều vắc-xin được chuyển đến các điểm tiêm; tiêm cho bao nhiêu người, còn bao nhiêu người chưa tiêm, bao nhiêu liều vắc-xin còn lại”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online, thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý.

“Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc-xin đã sử dụng, số người  được tiêm”, ông Long cho biết.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, ứng dụng công nghệ trong chiến lược phòng, chống Covid-19 có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, Bộ đã triển khai 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống Covid-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Đối với Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình, có khả năng quản lý vắc-xin từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm, cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vắc-xin ở từng cơ sở tiêm chủng. Công nghệ sẽ giúp triển khai hoạt động tiêm chủng nhanh hơn, thuận tiện hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu mà chiến dịch đặt ra”.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia bao gồm 4 hệ thống: ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Nền tảng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Với ngành y tế, nền tảng này đảm bảo mục tiêu kép, vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất, vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu.

Đại diện đơn vị phát triển nền tảng, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) chia sẻ: “Xác định việc triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm phục vụ cho lợi ích cấp bách của đất nước và nhân dân, Viettel tối đa nguồn lực để đảm bảo việc phát triển, triển khai hệ thống. Toàn bộ nhân lực của Viettel cho đến cả cấp tỉnh, cấp huyện tham gia phát triển, triển khai hệ thống được quán triệt để làm việc với tinh thần thời chiến, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Viettel đã tổ chức tập huấn toàn quốc Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 với sự tham dự của hơn 600 cán bộ y tế tại 63 tỉnh/thành phố qua cầu truyền hình.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, từ thời điểm này, mọi người dân có thể đăng ký tiêm chủng vắc-xin Covid-19 online. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên sổ sức khỏe điện tử, trên hệ thống sẽ sinh ra mã QR Code, mã này có màu đen và trắng, khi cá nhân người đó đã tiêm 1 mũi vắc-xin, mã này sẽ chuyển sang màu vàng và tiêm đủ 2 mũi sẽ chuyển sang màu xanh. Như vậy, từ bảng màu của mã QR Code sẽ thể hiện tình trạng tiêm vắc-xin của người đó.

Xem xét cấp phép vắc-xin Nano Covax
Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư