Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ứng phó với sự “đỏng đảnh” của thời tiết, thị trường
Quang Hưng - 05/04/2015 07:36
 
Không nói nhiều về những con số tăng trưởng tích cực của nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm, câu chuyện được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên dành nhiều thời gian trao đổi với phóng viên tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 là những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt và cách thức để vượt qua những khó khăn do sự biến đổi khí hậu, cũng như sự thay đổi của thị trường thế giới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiểm soát nhập siêu
Không chủ quan dù kinh tế phục hồi rõ nét
Kinh tế tăng trưởng vượt dự báo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, trong quý I/2015, tăng trưởng tại các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Thời tiết nắng nóng, khô hạn tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu khu vực trong nước giảm so với cùng kỳ; vẫn còn tình trạng kiểm soát an toàn lao động chưa chặt chẽ, để xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng…

Quý I/2015, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, cà phê, gạo, cao su… đều giảm trên dưới 30%

Cụ thể, trong quý I/2015, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 37,5 tỷ USD, tăng 16,3%, nếu loại trừ yếu tố giá nhập khẩu (giảm 2,61% so với cùng kỳ), thì tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 19,4%. Nền kinh tế nhập siêu trên 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (quý I/2014 xuất siêu 1,15 tỷ USD, bằng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu). Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 919 triệu USD (nếu kể cả dầu thô xuất siêu gần 2 tỷ USD); khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 3,8 tỷ USD.

Giải thích về hiện tượng trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, quý I/2015, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, cà phê, gạo, cao su… đều giảm trên dưới 30% số lượng mặt hàng. Tính chung, nhóm hàng nông – lâm – thủy – hải sản xuất khẩu quý I/2015 mất đi hơn 500 triệu USD. Bên cạnh đó, các nhóm hàng nguyên liệu khai khoáng (khoáng sản) do sự giảm giá của các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới khiến kim ngạch xuất khẩu cũng có sự suy giảm đáng kể, mất đi hơn 1 tỷ USD.

Cùng với đó, còn một số nguyên nhân khác, như áp lực cân đối cung - cầu trên thị trường thế giới, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục khó khăn. Nguồn cung các mặt hàng như gạo, cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh, cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam...

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trên thị trường thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm vẫn có những chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2015 đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây nhờ sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng với mức tăng 8,25% (gần gấp đôi so với cùng kỳ).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 9,1%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 30,4% GDP (cùng kỳ đạt 28,4%), tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt  3,05 tỷ USD, tăng 7%; vốn ODA giải ngân tăng 10,7%...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng…; triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân, nhất là đầu ra và giá cả hàng nông sản. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tăng tổng cầu và tạo ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư