Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Ưu đãi đầu tư và câu hỏi về sự công bằng
Nguyên Đức - 22/11/2017 07:41
 
Lại tiếp tục có những quan điểm cho rằng, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được hưởng quá nhiều ưu đãi, và vì thế đang chèn ép khu vực trong nước. Có thực sự là như vậy?

Chính sách ưu đãi đầu tư là công bằng

Có một con số vừa được công bố trên các phương tiện truyền thông, dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, đó là năm 2016, các doanh nghiệp (DN) FDI được ưu đãi thuế thu nhập DN lên tới 35.300 tỷ đồng. Trong số này, chỉ riêng các nhà máy của Samsung đã được ưu đãi trên 20.000 tỷ đồng.

Ngay khi những con số đó được công bố, không ít quan điểm cho rằng, đã có những bất bình đẳng trong ưu đãi thuế giữa DN trong nước và DN nước ngoài, và vì thế, DN Việt đã yếu lại càng yếu thêm, bị khu vực FDI chèn ép.

Sản xuất tại Công ty Điện tử Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất tại Công ty Điện tử Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, đã khẳng định rằng, “không có câu chuyện đó”.

“Hiện nay, các chính sách ưu đãi đầu tư là công bằng, không phân biệt DN trong và ngoài nước. Không có bất cứ dòng nào trong các văn bản pháp luật của Việt Nam nói rằng, có ưu đãi nhiều hơn cho DN FDI”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

GS-TSKH Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam đang thực hiện các cơ chế ưu đãi đầu tư dựa trên 3 căn cứ: theo ngành, lĩnh vực (như ưu đãi cao nhất cho công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao); theo khu vực hành chính (những vùng khó khăn được ưu đãi nhiều hơn và cả ưu đãi khi đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp); theo quy mô vốn đầu tư (dự án lớn thì được hưởng nhiều ưu đãi hơn).

“Samsung và các DN FDI nói chung đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập DN hơn so với các DN trong nước là vì đáp ứng được nhiều hơn các tiêu chí về ưu đãi đầu tư mà Việt Nam đặt ra, chứ không phải vì chính sách của Việt Nam bất bình đẳng, ‘trọng’ FDI hơn”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, nếu DN Việt Nam cũng đáp ứng được các tiêu chí đó, thì họ cũng sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi tương tự.

Điều đó là sự thật. Hơn 2 tháng trước, Vingroup đã chính thức khởi công xây dựng Dự án Sản xuất ô tô Vinfast trong sự hồ hởi của dư luận. Với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, Vinfast cũng đã nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ, như sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong vòng 15 năm, miễn 4 năm và giảm 9 năm tiếp theo, kể từ khi có doanh thu chịu thuế. Các nhân viên của Vingroup làm việc tại đây cũng sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Ngoài các ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, Vingroup còn được miễn tiền thuê đất và mặt nước.

Tương tự, Dự án Thép Hòa Phát ở Quảng Ngãi cũng nhận được những ưu đãi về thuế thu nhập DN tương tự như Dự án Vinfast. Thậm chí, cho rằng, đây là dự án quy mô lớn, có tác động lớn tới kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất cho Hòa Phát được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 30 năm.

Nhiều dự án khác của DN Việt Nam, như của Trung Nguyên, Hòa Phát, TH, Vinamilk… cũng tùy việc đáp ứng các tiêu chí ưu đãi đầu tư mà được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư khác nhau. Đây cũng chính là mức ưu đãi mà nhiều DN FDI, như Samsung, Intel, LG… được hưởng.

“Chưa tính hàng trăm ngàn DN nhỏ và vừa khác, chỉ tính riêng các khoản ưu đãi cho các DN lớn của Việt Nam này cũng không phải là nhỏ và cũng sẽ không thua kém mức ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam đang dành cho các DN FDI”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và khẳng định, đây là những ưu đãi cần thiết để các DN trong thời gian đầu đi vào sản xuất có thể tích lũy vốn để mở rộng sản xuất.

Bài toán được và mất

“Một số người cho rằng, con số hơn 33.500 tỷ đồng mà Việt Nam ưu đãi thuế cho DN FDI là mất đi. Nhưng không phải như vậy”, một chuyên gia khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã chia sẻ như vậy. Lý do, đó chỉ là những con số “ảo”, hay đúng hơn là những tính toán kiểu “đếm cua trong lỗ”, trong khi lẽ ra phải nghĩ đến những con số “thật” về những cái được mà khu vực FDI mang lại cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, đó không thể coi là các khoản “mất đi”, mà phải được tính là “chi phí cơ hội”.

Thực tế, chi phí cơ hội đó đã mang lại rất nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, vào cuối tuần trước, khi trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) về thực trạng của DN FDI đã nhấn mạnh rằng, năm nay, Việt Nam sẽ tổng kết 30 năm thu hút FDI và kết quả trong thời gian qua cho thấy, FDI đã đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước.

Thủ tướng cũng đã nhắc đến nhiều mô hình quản lý, sản xuất - kinh doanh tốt của các DN FDI, bước đầu đã liên kết được với các DN trong nước, thu hút nhiều lao động, chế độ phúc lợi tốt, ví dụ Intel (TP.HCM), Texhong (Quảng Ninh)… để khẳng định vai trò to lớn của khu vực này.

“Chúng ta không thể nói một chiều rằng, FDI không hay, mà chính FDI đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Còn nếu cần một ví dụ cụ thể, có thể lấy trường hợp của Samsung, DN hiện được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất trong danh sách của Bộ Tài chính để chứng minh. Hiện đăng ký đầu tư tới 17,3 tỷ USD và đã giải ngân được trên 12 tỷ USD, lại có doanh số lớn, xuất khẩu cao, có thể lên tới trên 50 tỷ USD trong năm nay, nên dễ hiểu vì sao Samsung đứng top đầu

DN FDI được ưu đãi đầu tư cao nhất.

Năm 2016, Samsung đã được hưởng ưu đãi trên 20.000 tỷ đồng, theo tính toán của Bộ Tài chính, do phần lớn dự án đang trong giai đoạn miễn, giảm thuế.

Thông tin từ Samsung cho biết, dù đang trong giai đoạn được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, song tổng số tiền nộp thuế của Samsung vẫn tăng đều qua các năm. Con số của năm 2014 là 165 triệu USD; năm 2015 tăng lên 186 triệu USD; năm 2016 là 300 triệu USD  và nửa đầu năm 2017 là 186 triệu USD.

Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa DN FDI và DN trong nước, làm sao để hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi.

Bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2009, song do đang được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư - như bất cứ DN công nghệ cao nào khác theo quy định pháp luật của Việt Nam (được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10%, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo), nên trên thực tế, Samsung Bắc Ninh (SEV) chỉ bắt đầu phải nộp thuế thu nhập DN từ năm 2013. Còn Samsung Thái Nguyên (SEVT), từ năm sau, mới chính thức phải nộp thuế. Một khi SEVT bắt đầu nộp thuế thu nhập DN, thì số thuế mà Samsung nộp cho ngân sách Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Một cách tính đơn giản nhất, với lợi nhuận tương tự năm 2016 (gần 55.500 tỷ đồng), thì năm tới, SEVT ít nhất nộp thêm cho ngân sách trên 2.775 tỷ đồng thuế thu nhập DN, tương đương trên 120 triệu USD. Con số sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi các công ty khác của Samsung có kết quả kinh doanh tốt hơn và cũng đến giai đoạn bắt đầu phải nộp thuế thu nhập DN, sau 4 năm được miễn thuế.

Nhưng điều quan trọng không chỉ là số lượng thuế mà Samsung nộp cho Việt Nam ngày càng tăng, mà là những tác động lan tỏa do nhà đầu tư này mang tới. Đầu tiên, là đóng góp con số khủng cho xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nỗ lực phát triển hệ thống nhà cung cấp trong nước để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị để lại cho kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng SEV và SEVT, con số của năm 2014 là 9,8 tỷ USD; năm 2015 là 17,2 tỷ USD và năm 2016 là 21,1 tỷ USD.

Tất nhiên, cũng không thể không nhắc tới con số 160.000 lao động đang làm việc cho Samsung. Chỉ riêng ngân khoản mà Samsung chi hàng năm để trả lương cho người lao động đã lên tới gần 1,3 tỷ USD. Con số này, có lẽ cũng đủ để tác động lan tỏa tới đời sống của hàng trăm ngàn hộ gia đình Việt Nam.

Nếu đặt lên bàn cân giữa con số 20.000 tỷ đồng ưu đãi thuế và những gì mà Samsung đang mang lại cho kinh tế Việt Nam, cán cân rõ ràng nghiêng về bên “được”. Chưa kể, khoản ưu đãi 20.000 tỷ đồng tưởng là mất đi thực tế chỉ là con số ảo. Giả sử, Samsung không đầu tư vào Việt Nam, thì cái mà nền kinh tế Việt Nam mất đi còn lớn hơn nhiều. Hệ lụy cũng sẽ nhân lên, nếu như hàng chục ngàn DN FDI khác không đầu tư vào Việt Nam trong 30 năm qua. Dù ưu đãi đầu tư không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng cũng là then chốt để các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Việt Nam hay không. Không chỉ là DN FDI, mà các DN Việt cũng rất coi trọng chuyện ưu đãi đầu tư.

Con đường đúng đắn

Đặt câu hỏi về việc nên ứng xử thế nào với DN FDI, GS-TSKH Nguyễn Mại trả lời rằng, phải có một quan điểm thực tế hơn, thay vì ngồi than thở DN FDI đang cản trở, chèn ép DN trong nước - mà thực tế không phải như vậy - thì nên tận dụng cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả dòng vốn này, làm sao tạo tác động lan tỏa để DN trong nước cũng được hưởng lợi.

Trên thực tế, đây cũng là điều được nhắc tới lâu nay. Trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nhấn mạnh việc phát triển mạnh mẽ khu vực DN trong nước để có thể trở thành đối trọng với DN FDI, đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ dòng vốn FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI. “Tới đây, cần cái gì thì kêu gọi đầu tư, chứ không phải là kêu gọi đầu tư mọi thứ và kêu gọi đầu tư bằng bất cứ giá nào. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa DN FDI và DN trong nước, làm sao để hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi”, Thủ tướng khẳng định.

Có một câu chuyện có lẽ cũng cần nhắc tới, để được hưởng nhiều ưu đãi hơn, DN Việt Nam phải làm sao để tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, những địa bàn mà Chính phủ đang khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Hay chỉ đơn giản là đầu tư xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp, khu kinh tế - những địa bàn đang được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi đầu tư.

Một con số đáng chú ý. Lũy kế tính đến hết 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên 168 tỷ USD, trong khi khoản đầu tư của các doanh nghiệp trong nước chỉ là trên 80 tỷ USD. Chỉ một sự chênh lệch quá lớn này cũng đã lý giải vì sao các doanh nghiệp trong nước lại được hưởng ít ưu đãi hơn doanh nghiệp FDI.

Bởi vậy, được ưu đãi ra sao, nhiều hay ít, nhiều khi còn phụ thuộc vào chính các DN Việt Nam, vào các quyết định đầu tư của họ.!

Chính phủ có nghị định riêng về đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực dầu khí
Một nghị định mới của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí vừa được ban hành. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước muốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư