Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Ưu đãi đầu tư và những câu chuyện giật mình
Nguyên Đức - 02/11/2016 09:17
 
Việc UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành một loạt quyết định chấm dứt các ưu đãi đầu tư là trái hay vượt quy định của Chính phủ đã cấp cho hàng loạt dự án trước ngày 31/12/2005, không khỏi khiến dư luận giật mình.

Giật mình bởi căn cứ để Quảng Nam ra các quyết định trên là để “thực hiện Quyết định số 1387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” (Quyết định 1387), trong khi Quyết định 1387 được ban hành vào ngày 29/12/2005, tức là hơn 10 năm trước. Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao cho tới 10 năm sau, Quyết định 1387 mới được Quảng Nam thực hiện dứt điểm?

Cần phải nhắc lại rằng, cách đây hơn 10 năm, trước tình trạng hàng loạt địa phương đưa ra chính sách ưu đãi đầu tư vượt khung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1387 xử lý các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 và một trong những yêu cầu quan trọng là các địa phương phải đình chỉ hiệu lực thi hành các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật đã ban hành. Có 31 tỉnh, thành phố nằm trong diện này. Vào thời điểm đó, không nhiều địa phương thực thi nghiêm túc quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, khiến trong năm 2006, rất nhiều văn bản hối thúc từ Chính phủ về việc UBND các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng hủy bỏ, bãi bỏ ngay các quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật.

Mười năm đã trôi qua. Dường như câu chuyện “xử lý ưu đãi vượt khung” không còn được nhắc tới cho đến khi Quảng Nam bất ngờ công bố chấm dứt ưu đãi đầu tư vượt khung đối với hàng loạt dự án.

Thực ra là bất ngờ với dư luận, còn trên thực tế, suốt thời gian qua, Quảng Nam đã rất nỗ lực xử lý vấn đề nan giải này. Nan giải là bởi ưu đãi đã cấp cho nhà đầu tư, làm sao một sớm một chiều có thể thu hồi? Đó còn là uy tín, là cam kết của địa phương với chủ đầu tư, là việc phải xử lý thế nào các khoản ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng, nay phải thu hồi lại. Đó còn là vấn đề phải xử lý nợ ưu đãi đầu tư ra sao cho vẹn cả đôi đường…

Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao, chuyện xử lý ưu đãi đầu tư vượt khung ở Quảng Nam diễn ra dằng dai 10 năm qua mà không dứt điểm được. Cũng bởi khó khăn này mà năm 2009, Quảng Nam từng có văn bản “kêu” lên Chính phủ cho phép được ưu đãi vượt khung đối với những dự án đã được cấp phép…để hỗ trợ tỉnh “giữ uy tín với các nhà đầu tư”. Tất nhiên, địa phương này đã dừng ưu đãi vượt khung đối với các dự án cấp mới ngay từ năm 2006, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dù muộn, nhưng cuối cùng, Quảng Nam đã thực hiện xong trách nhiệm của mình. Thật đáng mừng, song một câu hỏi khác đặt ra là ngoài Quảng Nam, hiện còn địa phương nào nữa vẫn lúng túng trong xử lý ưu đãi vượt khung? Còn địa phương nào chưa thực hiện nghiêm túc Quyết định 1387 của Thủ tướng Chính phủ?...

Đặt ra những câu hỏi này là cần thiết, bởi việc này không chỉ liên quan tới hiệu lực thực thi các quyết định của Chính phủ, mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch với nhà đầu tư, với doanh nghiệp. Quan trọng hơn, đó còn là câu chuyện về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Sẽ thay đổi nhiều chính sách tín dụng ưu đãi với nông nghiệp
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, tín dụng rót vào nông nghiệp sẽ ưu đãi một cách tập trung chứ không tràn lan ở nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư