Thứ Hai, Ngày 12 tháng 05 năm 2025,
Ưu đãi visa tạo động lực để du lịch chinh phục kỷ lục khách quốc tế
Linh Nguyễn - 11/05/2025 14:08
 
Chính sách visa thuận lợi được xem là “chìa khóa” để du lịch Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, tạo lợi nhuận cao.

Giữa lúc căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng kể từ khi Mỹ áp thuế đối ứng, nhiều chuyên gia nhận định, ngành du lịch ít chịu tác động hơn so với các lĩnh vực khác. Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng, trong khi nhiều ngành công nghiệp phải tái cấu trúc để thích nghi, du lịch Việt Nam lại có cơ hội lập kỷ lục về lượng khách quốc tế trong năm 2025.

Báo cáo kinh tế quý I/2025 cho thấy, tăng trưởng GDP đạt 6,93%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,22%, xuất nhập khẩu phục hồi ổn định, tạo nền tảng cho ngành du lịch tiếp tục bứt phá. Ông Hiển nhận định: “Ngành du lịch Việt Nam không chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại. Thậm chí, với sức tiêu dùng nội địa mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh và ứng dụng công nghệ hiệu quả, ngành này có thể đạt được những bước tiến lớn”.

Mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng rút khỏi châu Á, nhưng tiềm lực tiêu dùng nội địa và những cải cách trong chính sách visa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ vững tăng trưởng, mà còn tạo động lực mới trong thu hút khách quốc tế. Việc miễn visa cho một số quốc gia, triển khai thị thực điện tử và các ưu đãi đặc thù được đánh giá là những bước đi mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy ngành du lịch trở thành “vùng an toàn” trong bão thương mại.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chính sách visa của Việt Nam vẫn được cho là chưa đủ cởi mở để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thống kê cho thấy, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho 93 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia cho 169, Malaysia 166, Philippines 157 và Singapore 158, thì Việt Nam vẫn còn khá thận trọng với danh sách miễn thị thực hạn chế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, chính sách visa là yếu tố quan trọng, nhưng không phải yếu tố quyết định duy nhất. Tuy nhiên, trong chiến lược đồng bộ để nâng cao sức cạnh tranh, việc mở rộng chính sách thị thực được xem là biện pháp ít tốn kém mà mang lại hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đang chịu sức ép từ thương mại quốc tế.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg giao Bộ Ngoại giao và Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để mở rộng danh sách miễn visa ngắn hạn cho các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ…

Thực tế cho thấy, việc triển khai thị thực điện tử và miễn visa đơn phương cho các quốc gia như Ba Lan, Czech, Thụy Sỹ đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Trong quý I/2025, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, mức cao nhất từ trước tới nay, vượt cả giai đoạn trước đại dịch. Đáng nói là, lượng khách từ các nước được miễn visa tăng rõ rệt.

Để hiện thực hóa mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa năm 2025, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc chủ động nới lỏng chính sách thị thực (mở rộng khung thời gian và số lần nhập cảnh) kết hợp với các chương trình kích cầu du lịch nội địa đóng vai trò then chốt.

Song song đó, cần chủ động tăng cường hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Điều này bao gồm việc phối hợp mở rộng các đường bay trực tiếp đến các thị trường tiềm năng, tối ưu hóa tần suất chuyến bay và xây dựng các chương trình ưu đãi vé hấp dẫn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến, từ cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông đến các hoạt động trải nghiệm và đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp sẽ củng cố sức hấp dẫn, tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam chất lượng cao và đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngành du lịch trong dài hạn.

Tại cuộc họp Chính phủ ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chính sách thị thực là công cụ kép, vừa thúc đẩy du lịch, vừa tăng cường ngoại giao văn hóa. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện chính sách thị thực theo hướng thông thoáng hơn.

Các giải pháp như nới lỏng visa cho khách quốc tế, ưu đãi và miễn thị thực cho các đối tượng đặc thù (nhà khoa học, văn nghệ sỹ, vận động viên đạt giải thưởng quốc tế), cùng việc cải tiến thủ tục xét duyệt, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho ngành du lịch, góp phần phục hồi kinh tế nhanh chóng và bền vững.

Đã đến lúc du lịch Việt Nam thành điểm đến đáng sống, đáng yêu và đáng nhớ
Theo TS. Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch xanh Việt Nam (VGTA), đã đến lúc Việt Nam vươn mình, thực sự trở thành điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư