Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Hà Nguyễn - 13/09/2020 21:09
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tổ chức ngày 13/9 tại Sơn La.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

 

Nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển để nắm bắt các cơ hội, nhất là từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ trên toàn cầu. Phát triển nhân lực chất lượng cao của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại càng đặc biệt quan trọng hơn.

“Điều này nhằm tận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các miền khác”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu như vậy tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tổ chức ngày 13/9 tại Sơn La.

.
.

Theo khảo sát, ở vùng Tây Bắc, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong UBND cấp tỉnh, huyện còn thấp (khoảng 11,32%). Trong tổng số 48.200 cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã, số người có trình độ trung học cơ sở chiếm 45,7%, tiểu học 18,7%, chỉ có 1,9% có trình độ cao đẳng và đại học. 

Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang chi phối và kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan, làm chậm sự phát triển của các dân tộc thiểu số. Đây là vùng khó khăn nhất, dân số nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm hơn 50% tỷ lệ nghèo của cả nước, tăng trưởng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng 6 tỷ đồng để xóa 100 nhà tạm ở huyện Sốp Cộp.
Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng 6 tỷ đồng để xóa 100 nhà tạm ở huyện Sốp Cộp.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn phát huy vai trò chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều nguồn lực cũng được tập trung đầu tư cho vùng này.

Chẳng hạn, giai đoạn 2016-2020, bố trí đủ 73.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trong khuôn khổ hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, chương trình 135…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để đạt được các mục tiêu phát triển của Đề án, Bộ trưởng khẳng định, cần phải huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, từ ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và từ cộng đồng, người dân, đồng thời quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực này.

“Tới đây, sẽ tập trung ưu tiên bố trí đủ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo tổng mức, cơ cấu đã được Quốc hội phê duyệt, cũng như cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Dự kiến, nguồn vốn bố trí của 3 chương trình khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng sẽ ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện khó khăn khác; giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, cũng sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành  chính… để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quyết định, là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Theo đó, các giải pháp mang tính đột phá sẽ tạo ra bước ngoặt mới, tháo gỡ những “nút thắt” và sẽ lấp đầy những “khoảng trống” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tặng 240 triệu đồng hỗ trợ 150 người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 1 năm; tặng 1 nhà lớp học cho điểm trường Pói Lanh, huyện Sốp Cộp. 

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thay mặt Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã trao tặng 6 tỷ đồng từ nguồn quyên góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ và ủng hộ của một số tổ chức, cá nhân để xóa 100 nhà tạm tại huyện Sốp Cộp.

Đẩy mạnh cho vay phát triển nhân lực có kỹ năng nghề
Thống đốc NHNN đã có văn bản số 5772/NHNN-TD đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh cho vay phát triển nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư