Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vắc xin Covid-19 "phủ sóng" dự báo thổi bùng sức sống mới cho bán lẻ toàn cầu
Như Loan - 09/06/2021 14:22
 
Việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 đại trà ở nhiều nước đang góp phần thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ngành bán lẻ.

Người tiêu dùng mong muốn được “chi tiêu trả thù” nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm vốn bị hạn chế trong đại dịch. Tại Việt Nam, Quỹ Vắc-xin với hàng ngàn tỷ đồng tài trợ đã ra đời và sẽ sớm tổ chức tiêm chủng toàn dân theo chính sách của Nhà nước.

Từ cuộc “chi tiêu trả thù” lên tới 1,7 tỷ USD tại Mỹ

Mới đây, hãng tin Bloomberg đưa ra một nhận định thú vị rằng, người tiêu dùng Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc “chi tiêu trả thù” sau khi được miễn dịch, tức là mua sắm để thỏa mãn những bí bách mà họ phải chịu đựng do cuộc sống bị ngưng trệ trong đại dịch.

Cũng theo Bloomberg, khi tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 tăng lên, doanh số bán lẻ tại Mỹ cũng đang tiến gần mức cao kỷ lục. Bloomberg ước tính người dân Mỹ đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 1,7 tỷ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu cho đến tháng 1/2021. Khoản tiền khổng lồ này có thể khiến người dân tự tin mua sắm mạnh tay, chưa kể đến các gói kích cầu tiêu dùng đang được chính phủ Mỹ tung ra khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Chi tiêu cho mua sắm trong quý II và quý III năm 2021 tại Mỹ được dự báo sẽ đạt mức cao nhất trong 70 năm qua.

Người tiêu dùng Mỹ quay lại mua sắm sau khi được tiêm vắc-xin (Ảnh: Reuters)

Trước đó, kết quả khảo sát 15.000 người tiêu dùng trên toàn cầu do Viện nghiên cứu Giá trị Kinh doanh (IBV) thuộc IBM công bố tháng 4/2021 cho thấy triển vọng phục hồi của ngành bán lẻ đang tăng lên khi mà người tiêu dùng đang khao khát được trở lại các trung tâm thương mại, các khu mua sắm khi họ đã được tiêm vắc-xin Covid-19.

Cũng theo IBM, khoảng 73% những người từng có thói quen đến các trung tâm mua sắm trước đại dịch sẽ trở lại với thói quen này sau khi được tiêm vắc-xin. Số liệu ghi nhận tại 50 trung tâm mua sắm lớn ở Mỹ cho thấy lượng khách ra vào đã tăng lên hàng tháng kể từ tháng 11/2020.

Tới những dự báo và kỳ vọng với ngành bán lẻ châu Á

Ngay từ cuối năm 2020, công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor đã dự báo ngành bán lẻ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có tốc độ hồi phục nhanh nhất sau đại dịch Covid-19, do ít chịu tác động từ lệnh phong tỏa, cũng như các vấn đề kinh tế hay chính trị.

Bên cạnh đó, một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam đã tránh được việc áp dụng các lệnh phong tỏa toàn quốc và duy trì số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp. Euromonitor dự báo doanh số bán lẻ tại châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng 6% trong năm 2021.

Trang South China Morning Post trích dẫn nhận định lạc quan từ New World Development – tập đoàn bất động sản và bán lẻ hàng đầu Hong Kong – cho biết thời điểm đen tối nhất của ngành bán lẻ tại Hong Kong đã qua và doanh số bán lẻ ở khu vực này sẽ tăng ở mức hai con số trong nửa cuối năm 2021 một phần nhờ việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19.

Bán lẻ kỳ vọng sớm phục hồi tại Việt Nam sau khi triển khai tiêm vắc-xin

Rõ ràng, việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 là giải pháp sống còn với mọi ngành kinh tế, chứ không chỉ riêng ngành bán lẻ. Nhưng do đặc thù liên quan đến các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ là một trong những lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi đại dịch dần qua đi.

Với việc các nước châu Á như Việt Nam, Singapore, Thái Lan… đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cho người dân, ngành bán lẻ châu Á sẽ có cuộc bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới.

Ngành bán lẻ Việt Nam: Vượt qua vùng nhiễu động trong bối cảnh đại dịch
Trong quý III vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã có sự khởi sắc và phát triển, trong đó có ngành bán lẻ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư