Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vắc xin dịch vụ có thể khan hiếm kéo dài tới năm 2020
D.Ngân (HQ Online) - 30/11/2015 09:50
 
Liên quan tới tỷ lệ trẻ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem thời gian qua đang khiến người dân hoang mang lo lắng và trả lời câu hỏi có hay không sự thiếu khách quan, “vừa đá bóng vừa thổi còi” của ngành Y tế trong việc công bố các nguyên nhân trẻ tử vong. Xung quanh vấn đề này ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã có trả lời một số cơ quan báo chí.
Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh
Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh

Thời gian gần đây ghi nhận tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem gia tăng, tại sao lại như vậy, thưa ông?

Trước bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nào, việc điều tra, đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện, phối hợp giữa Tổ chức Y tế thế giới, nhà sản xuất, các quốc gia sử dụng vắc xin để tìm hiểu nguyên nhân là vấn đề then chốt.

Đối với vắc xin ho gà toàn tế bào (có trong thành phần dễ gây phản ứng của Quinvaxem) hiện đang được sử dụng trên 70 năm tại 138 nước và Quinvaxem cũng đã sử dụng gần 10 năm, với gần 450 triệu liều, đã được tiêm cho trẻ em tại 94 nước và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức quốc tế nghiên cứu, thẩm định và đánh giá hiệu quả trong sử dụng.

Liệu có hay không tình trạng “vừa đánh trống vừa thổi còi” của ngành Y tế khi đánh giá các tai biến sau tiêm chủng, thưa ông?

Việc điều tra các phản ứng sau tiêm chủng đòi hỏi có chuyên môn cao, nắm hệ thống tiêm chủng. Do đó, thành phần hội đồng đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Chính vì vậy các thành viên hội đồng bao gồm những chuyên gia về tiêm chủng, lâm sàng, dịch tễ học, và các ngành liên quan khác.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan trong đánh giá, Bộ Y tế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế không bao gồm người thực hiện công tác về tiêm chủng, do vậy đảm bảo tính khách quan.

Năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá và công nhận Cơ quan quản lý vắc xin quốc gia (NRA) đạt tiêu chuẩn.

Việc đánh giá được tiến hành dựa trên các tiêu chí cụ thể bao gồm cả việc kiểm soát mâu thuẫn quyền lợi trong hoạt động của các hội đồng càng khẳng định hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến sau tiêm chủng đã được thành lập và hoạt động theo đúng các qui định chung của quốc tế và đảm bảo tính khách quan.

Vắc xin Quinvaxem được cho là có nhiều phản ứng so với vắc xin khác, tại sao Bộ Y tế không tính đến phương án thay thế bằng vắc xin khác, thưa ông?

Vắc xin Quinvaxem hay các vắc xin khác như “5 trong 1”, “6 trong 1” đang sử dụng tại Việt Nam hiện nay, khác nhau cơ bản là thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) hay vô bào (vắc xin dịch vụ).  Việc chuyển đổi từ sử dụng ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào đã được nhiều nước triển khai và các hạn chế của vắc xin này cũng đã được ghi nhận, tại các nước có nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (tháng 8-2015) là đối với các nước đang dùng vắc xin ho gà toàn tế bào với lịch tiêm chủng quốc gia không quá 4 mũi, thì cần tiếp tục duy trì, không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào trừ trường hợp cần tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin.

Ngoài ra, trong chiến lược đến 2020 và 2025, xu thế trên thế giới sẽ sử dụng vắc xin bại liệt tiêm và kết hợp vắc xin thành phần ho gà vào vắc xin “6 trong 1”. Do đó việc thay đổi còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học, tiện lợi trong lịch tiêm chủng và đặc biệt là miễn dịch cộng đồng.

Vậy tình trạng thiếu trầm trọng các vắc xin dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêm chủng của trẻ thời gian qua có phải xuất phát từ “lỗi” của ngành Y tế do không dự trù đúng về nhu cầu tiêm chủng để đặt hàng trước nhà sản xuất?

Việc thiếu vắc xin dịch vụ tổng hợp thời gian qua là do nhu cầu về vắc xin của thế giới tăng cao, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, nhằm mục đích thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần phải chuyển từ dùng bại liệt uống (vắc xin toàn tế bào) sang vắc xin bại liệt tiêm (có trong vắc xin dịch vụ tổng hợp có chứa thành phần ho gà vô bào).

Trên cơ sở đó, giai đoạn 2015-2016 có 100 nước (kể cả Việt Nam) đã cam kết sẽ đưa vắc xin bại liệt tiêm vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Do vậy, theo ước tính, đến 2020, nhu cầu tối đa cho vắc xin “6 trong 1” trên toàn cầu có thể vào khoảng 380 triệu liều trong khi đó khả năng cung cấp vào khoảng 280-320 triệu liều.

Xin cảm ơn ông!

Sau năm 2016 vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 mới về đến Việt Nam
Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ nay đến hết năm 2016 cũng chưa có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 để cho bà con sử dụng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư