Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Sau năm 2016 vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 mới về đến Việt Nam
Phương Thúy (Infonet) - 01/11/2015 15:39
 
Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ nay đến hết năm 2016 cũng chưa có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 để cho bà con sử dụng. Nhiều câu hỏi cho rằng Bộ Y tế không cho nhập để mở rộng vắc xin trong chương trình tiêm chủ...
Nhiều bà mẹ sẵn sàng chi tiền, xuất ngoại tiêm vắc xin
Nhiều bà mẹ sẵn sàng chi tiền, xuất ngoại tiêm vắc xin cho con

Xuất ngoại để... mua sự an tâm

Chị Phạm Thị Huyền trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết sau khi sinh con chị đã đặt vắc xin dịch vụ để tiêm cho con. Nhưng chờ đến hơn 3 tháng vẫn không tiêm được nên đành tiêm vắc xin miễn phí. Sau khi tiêm cháu sốt hơn 1 ngày. Vợ chồng chị nín thở cùng con vì mũi tiêm này. Nhìn con nửa tháng nay ốm yếu, không chịu ăn, không tăng cân, chị Huyền xót quá nên băn khoăn có nên tiêm tiếp mũi thứ 2. Đang không biết có nên cho con tiêm hay lại chờ mũi tiêm từ dịch vụ, chị Huyền nghe thông tin gần đây liên tiếp có trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin nên càng thêm lo lắng. 

Sau khi bàn tính, hai vợ chồng chị Huyền quyết định sẽ đưa con sang Thái Lan tiêm dịch vụ với số tiền 8 triệu đồng cho hai mũi còn lại. Chi phí mua vé máy bay cũng rẻ nên ngay trong ngày chị đã đặt vé máy bay tháng 11 đi Thái Lan để trích ngừa vắc xin cho con.

Nói về quyết định của mình, chị Huyền cho biết, để dành những điều tốt nhất cho con, chị quyết định điều đó dù bạn bè và nhiều người cho rằng chị cậy có điều kiện.“Tiền bạc quý thật nhưng sao bằng sức khỏe của con mình. 8 triệu đồng chứ lên đến 30 triệu đồng chắc vợ chồng tôi cũng nhịn ăn, nhịn tiêu để đầu tư cho con”, lời chị Huyền.

Hay như trường hợp của chị Võ Việt Hà, nhân viên PR cho một tập đoàn lớn cũng quyết định cho con sang Singapore để tiêm chủng. Chị Hà cho biết từ khi mang bầu chị đã có ý nghĩ sẽ mua gói dịch vụ tiêm chủng cho con ở các bệnh viện tư nhân lớn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, vợ chồng chị quyết định đầu tư xa hơn là cho con sang Singapore tiêm. Chị gái chị Hà đang sống ở đó nên việc đi lại, sang tiêm cũng thuận lợi. Với số tiền vài trăm USD, chị Hà khẳng định để mua sự an tâm và sức khỏe cho con vợ chồng chị sẵn sàng bỏ ra.

Chị Hứa Lê Hoa trú tại Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội người đã từng đưa con đi nước ngoài tiêm chủng cho biết thay vì bỏ 3 , 4 chục triệu mua vắc xin về nhà tiêm chui, chị đã bế con đi nước ngoài tiêm. Chi phí không quá cao mà lại yên tâm. Đến nay, con chị Hoa đã hoàn thành các mũi tiêm chủng vắc xin 6 trong 1. Chị Hoa cho biết bỏ tiêm thì lo con bị bệnh, tiêm vắc xin miễn phí lo con bị phản ứng. Để giải quyết những nỗi lo này, chị bấm bụng chi tiền đưa con ra nước ngoài tiêm.

Vắc xin dịch vụ ở Việt nam: Bộ Y tế cấm nhập?

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đã được công bố. Từ đầu năm đến nay có 8 ca tử vong sau khi tiêm. Kết luận của hội đồng chuyên môn là 7 ca là trùng hợp ngẫu nhiên, 1 ca do sốc phản vệ.

Tỷ lệ tai biến sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem là 4,5 /triệu liều trong khi đó WHO khuyến cáo là 20/triệu liều. Vắc xin dịch vụ vô bào và vắc xin toàn tế bào đều có tỷ lệ tai biến tương đương nhau nhưng vì số lượng tiêm vắc xin dịch vụ quá nhỏ nên không thể thống kê được số ca tai biến.

Nói về vắc xin dịch vụ trong thời gian tới, ông Phu cho biết từ nay đến hết năm 2016 cũng chưa có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 để cho bà con sử dụng. Nhiều câu hỏi cho rằng Bộ Y tế không cho nhập để mở rộng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Phu cho rằng điều này là sai vì đến nay, Bộ Y tế vẫn giao cho các công ty đầu mối nhập khẩu vắc xin về cung cấp cho nhu cầu của người dân. Vắc xin 6 trong 1 khan hiếm là do nhà sản xuất. Các vắc xin khác như sởi, thủy đậu, quai bị, viêm não mô cầu, viêm gan A vẫn có đầy đủ để người dân trích ngừa.

Hiện nay, người dân sang Singapore hay Thái Lan để tiêm vì họ vẫn có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Lý do là họ có kế hoạch đặt hàng và với số lượng lớn từ nhiều năm trước đó. Bình thường, vắc xin muốn có phải đặt hàng 2 - 3 năm chứ không phải là thuốc cứ có nhu cầu là công ty sản xuất bán. 

Còn ở Việt Nam các công ty nhập khẩu mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều nên công ty sản xuất ưu tiên đơn hàng lớn, đặt hàng lâu năm. Việt Nam giờ muốn nhập cũng không được cung cấp vì họ không đủ nguồn vắc xin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư