Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Dư chấn vắc-xin!
Chí Tín - 27/07/2013 09:41
 
Những “dư chấn” từ vụ 5 trẻ em tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1) vẫn còn âm ỉ, thì tuần này, dư luận xã hội lại bất ngờ trước sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong do tiêm vắc-xin, trong đó có 3 em ở Quảng Trị thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.  

Dư chấn nối tiếp dư chấn khi ngày 24/7 lại có thêm 1 trẻ sơ sinh ở Lâm Đồng thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin ngừa xuất huyết não.

Phải ghi nhận rằng, so với vụ việc liên quan đến vắc-xin Quinvaxem trước đó, ngành y tế đã phản ứng khá nhanh khi khẩn trương cử đoàn công tác về Quảng Trị để điều tra vụ 3 trẻ sơ sinh bị tử vong. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện kiểm định quốc gia vắc-xin, sinh phẩm y tế phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện các xét nghiệm.

Cục Quản lý dược cũng kịp thời thông báo khẩn về việc tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc 2 lô vắc-xin viêm gan B liên quan tới sự cố khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm tại Quảng Trị.

Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị cũng đã độc lập lấy mẫu vắc-xin, mẫu phủ tạng để kiểm định chất lượng vắc-xin và xét nghiệm mẫu.

Song cho đến nay, ngoài thông tin như “nguyên nhân chính là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”, thì các bậc phụ huynh, đặc biệt là những ông bố, bà mẹ sắp đón con chào đời, tiếp tục phải thắc thỏm, lo âu chờ đợi kết luận cuối cùng về các vụ việc nói trên.

Trên thực tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong việc phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân. Khi vắc - xin Quinvaxem được đưa vào Dự án từ năm 2010, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 15,8 triệu liều và đã cấp phát 15,2 triệu liều. Vắc - xin viêm gan B bắt đầu được sử dụng từ năm 1997 tại một số tỉnh và mở rộng ra cả nước từ năm 2003. Từ năm 2007 đến 2010, ngành y tế đã cung cấp khoảng 4,5-5 triệu liều vắc – xin viêm gan B mỗi năm và từ năm 2010 đến nay cung cấp khoảng 1,2 triệu liều/năm.

Việc tiêm phòng 24 giờ sau sinh đã góp phần giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam xuống 2% vào năm 2010 và dự kiến sẽ khống chế tỷ lệ này ở mức dưới 1% trong những năm tới.

Nếu khống chế được tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở mức thấp, thì Việt Nam sẽ giảm đáng kể thiệt hại về kinh tế- xã hội do virus này gây ra. Số liệu thống kê ngành y tế cho thấy, số người bị xơ gan do virus viêm gan B và C ở Việt Nam chiếm tới 80% số người bị xơ gan, bình quân mỗi người bị bệnh viêm gan virus B phải chi phí điều trị từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí điều trị bệnh do virus viêm gan B và C trên cả nước lên tới 66.000 tỷ đồng/năm. Ngoài số tiền chi phí khổng lồ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh cũng bị giảm sút.

Chính vì vậy, không thể tiếp tục để xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang, làm mất lòng tin của người dân về những lợi ích to lớn từ Dự án Tiêm chủng mở rộng mang lại.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải điều tra quyết liệt và có kết luận chính xác, rõ ràng, tránh kết luận chung chung như vụ vắc - xin Quinvaxem, cho dù việc xác định rõ nguyên nhân là vô cùng khó khăn. Xa hơn nữa, cần xem xét, xây dựng lại quy trình kiểm tra trước và sau tiêm chủng để có đầy đủ thông tin về tất cả các trường hợp biến cố, phục vụ cho công tác điều tra.

Một kết luận cụ thể, chính xác và khoa học về các trường hợp nêu trên chắc chắn sẽ khiến người dân bớt hoang mang trước những biến cố không mong muốn xảy ra, ngay cả khi đó là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”.

Tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Chiều 24/7, Bộ Y tế đã họp và ra thông báo tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh theo lịch trong Dự án tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư