Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vắc-xin và cơ hội cho nền kinh tế
Hà Nguyễn - 17/03/2021 07:35
 
Vắc-xin Covid-19 thứ hai “make in Vietnam” đã chính thức tiêm thử nghiệm. Nếu thuận lợi, Việt Nam không chỉ tự chủ được nguồn vắc-xin mà còn tạo cơ hội để kinh tế Việt Nam sớm hồi phục, tăng tốc.

Việt Nam đã chính thức tiêm thử nghiệm vắc-xin COVIVAC - vắc-xin Covid-19 thứ hai “make in Vietnam” vào đầu tuần này. Dù mới chỉ là bước khởi đầu, còn cần thời gian để tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, rồi mới đưa vào thương mại hóa, song đó vẫn là một tin rất đáng mừng. Nếu mọi việc thuận lợi, Việt Nam sẽ sớm có vắc-xin Covid-19 an toàn phục vụ người dân. Khi ấy, Việt Nam không chỉ tự chủ được nguồn vắc-xin an toàn với giá rẻ, giúp phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh, mà còn tạo cơ hội rất lớn để kinh tế Việt Nam sớm hồi phục và tăng tốc.

Không phải ngẫu nhiên, mà nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2021 là năm của “cuộc chiến” vắc-xin Covid-19. Nước nào sản xuất được sớm vắc-xin Covid-19, hoặc thậm chí đủ tiềm lực để mua và tiêm vắc-xin cho người dân, thì cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế là rất lớn. “Phần thưởng” sẽ dành cho kẻ mạnh.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà giờ đây, sau “khẩu trang”, thế giới đã bắt đầu nói đến “hộ chiếu vắc-xin”.       

Đây dường như là một tiêu chuẩn mới, một quyền lực mới bên cạnh tấm hộ chiếu mà mọi người thường sử dụng. Thậm chí, Liên minh châu Âu (EU) còn bàn tính về “hộ chiếu vaccine” để thông thương khu vực. Ngoài EU, một số quốc gia khác như Australia, Đan Mạch, Singapore… cũng đang tính tới việc cấp phép đi lại cho những người có chứng nhận tiêm vắc-xin.

Điều ấy chứng tỏ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó đoán, xuất hiện nhiều biến thể mới, thì việc tiêm phòng vắc-xin có ý nghĩa lớn như thế nào. Vắc-xin Covid-19 trở thành “giấy thông hành”, là điều kiện quan trọng và cần thiết để các nền kinh tế có thể mở cửa, thông thương với bên ngoài.

Việt Nam, bằng sự nỗ lực của mình, đã bắt đầu thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vào ngày 8/3 vừa qua. Chỉ sau khoảng 1 tuần, gần 20.000 người Việt đã được tiêm phòng mũi đầu tiên.

Vắc-xin phòng chống Covid-19 cũng đang tiếp tục được nhập về bằng ngân sách nhà nước và bằng cả sự hỗ trợ của cộng đồng, của các tổ chức quốc tế. Theo kế hoạch, trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Con số này còn ít so với nhu cầu thực tế của 100 triệu người dân Việt Nam. Bộ Y tế ước tính, ngoài vắc-xin của Công ty AstraZeneca mà Việt Nam đã đặt mua (30 triệu liều) và được COVAX viện trợ (30 triệu liều) cho năm 2021, muốn có đủ vắc-xin cho mọi người dân có chỉ định vắc-xin tiêm chủng, thì Việt Nam sẽ cần tới 150 triệu liều vắc-xin trong năm nay.

Tuy nhiên, có thể nói, việc người dân Việt Nam sớm được tiếp cận vắc-xin Covid-19 là một nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã ra nghị quyết về việc nhập khẩu 150 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm nay.

Việc này đã ngay lập tức nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Ngân hàng Thế giới (WB), trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021 cho rằng, việc tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ tác động lớn đến tốc độ phục hồi kinh tế Việt Nam.

Định chế tài chính này, thậm chí còn khuyến nghị, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bởi đây là hoạt động sẽ tác động đến tốc độ phục hồi kinh tế.

Tất nhiên, tiêm vắc-xin Covid-19 không phải là “liều thuốc” duy nhất để kinh tế Việt Nam phục hồi. Còn cần rất nhiều biện pháp khác, bao gồm cả thúc đẩy “cỗ xe tam mã” xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng nội địa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…, nhưng phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh là điều kiện đầu tiên, tối quan trọng. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc tiếp tục đàm phán, mua thêm vắc-xin Covid-19, cần phải đẩy nhanh hơn việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước.

Thực tế, nhu cầu của Việt Nam là 150 triệu liều, nhưng hiện mới chỉ đàm phán mua được 60 triệu liều, chưa kể thực tế giao hàng ra sao cũng là vấn đề cần quan tâm. Thêm nữa, tiến độ tiêm phòng vắc-xin Covid-19 còn khá chậm bởi 117.000 liều vắc-xin đã được nhập về, nhưng mới mới có gần 20.000 người được tiêm phòng.

Mọi thứ còn rất khó khăn, trên thế giới cũng vậy, không riêng gì Việt Nam. Nhưng hy vọng vẫn đang ở phía trước, khi Việt Nam không chỉ nỗ lực tiêm phòng vắc-xin cho người dân, mà còn quyết tâm tự chế tạo, sản xuất cả vắc-xin Covid-19. Đó là chìa khóa có thể giúp kinh tế Việt Nam sớm phục hồi và bứt tốc.

Đa số trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin Covid-19
Sau 2 ngày triển khai tiêm vắc xin Covid-19, 522 người là các cán bộ, nhân viên y tế tại Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM, Gia Lai đã được tiêm chủng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư