Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Vạch cơ hội kênh đầu tư truyền thống giữa cơn gió ngược của thị trường
Thanh Thủy - 14/07/2022 12:58
 
Quản lý đầu tư cá nhân giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang đối diện nhiều nghịch cảnh, nhà đầu tư phải tìm cách thích nghi, tạo cơ hội sinh lợi mới cho nhiều kênh đầu tư.
.
Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 14/7

Việt Nam có thể tránh được "cơn bão" của kinh tế thế giới 

Tại buổi Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 14/7, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhiều dự báo đáng chú ý.

Ông cho rằng, năm 2023 có thể sẽ là thời điểm đi xuống của kinh tế toàn cầu. "Nhưng nếu cuộc chiến tại Ukraine kết thúc sớm, kinh tế thế giới có thể đi lên ngay sau đó", TS. Nghĩa dự báo.

Như vậy, theo chuyên gia gia, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 nếu có xáo trộn thì trục trặc sẽ từ nợ quốc gia, chứ không phải hệ thống ngân hàng toàn cầu hay thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ.

“Hiện hệ thống ngân hàng toàn cầu yên ổn. Điểm yếu nhất của kinh tế toàn cầu có thể là sự vỡ nợ của các Chính phủ. Nghiên cứu sâu của chúng tôi cho thấy, có 16 chính phủ đang gặp khó khăn về nợ quốc gia”, TS. Nghĩa chia sẻ thông tin.

Trong bối cảnh này, ông Nghĩa khuyến nghị dành sự quan tâm tới việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 2 năm đang cao hơn lợi suất kỳ hạn 10 năm. Điều này diễn ra trong 2 tháng gần đây. Trong quá khứ, tỷ lệ khá cao khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế sau khoảng 14 tháng kể từ khi đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều.

Trao đổi về vấn đề này, có ý kiến lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ hay khả năng Trung Quốc – trái chủ lớn đang nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ đang cơ cấu lại, chuyển từ trái phiếu dài hạn sang ngắn hạn và gây ra hiện tượng trên. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa phản biện, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm và cũng sẽ không có chiến tranh tiền tệ xảy ra.

Ông Nghĩa cũng tin rằng, Việt Nam có thể tránh được cơn bão của kinh tế thế giới và trở thành điểm sáng nhất.

Thứ nhất, cho dù lạm phát toàn cầu tăng cao, như số liệu mới nhất do Mỹ công bố, mức lạm phát là 9,1% (trừ đi giá xăng dầu cũng ở mức 5,6%), sẽ tác động đến chỉ số giá của Việt Nam qua đường nhập khẩu lạm phát. Song, do Việt Nam chủ yếu nhập hàng để sản xuất hàng xuất khẩu, nên phần lớn lạm phát nhập khẩu cũng sẽ được tái xuất ra bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ số giá nhập khẩu vẫn sẽ chỉ đi dần vào chỉ số giá tiêu dùng.

“Trong khi Mỹ và châu Âu có lạm phát cầu kéo và chi phí đẩy, lạm phát Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy. Rất may vì chính sách tiền tệ thời gian qua trong tình trạng ổn định, nên không xảy ra lạm phát cầu kéo. Tuy nhiên, dù cung tiền ra ít, vòng quay nhanh hơn có thể làm tăng nhanh tổng lượng tiền trong lưu thông”, ông Nghĩa lưu ý.

Động lực của thị trường trong 6 tháng cuối năm đến từ đà tăng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết 

Tại phiên thảo luận về Nhận diện cơ hội của các kênh đầu tư truyền thống, các diễn giả tại Tọa đàm cũng đã chỉ ra thực trạng cùng dự báo về thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản thời gian tới.

Về kênh đầu tư chứng khoán, ông Trần Đức Anh, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.

Theo ông Đức Anh, trong trường hợp xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ ở mức nhẹ, mức độ tác động đến Việt Nam nhỏ, chủ yếu qua hoạt động thương mại và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Ở kịch bản nền kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ, Việt Nam tự tin tăng trưởng 6%, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn giữ được tăng trưởng, EPS tăng trưởng, không có lý do hệ số P/E ở mức thấp trong trung dài hạn”.

Theo thống kê của khối phân tích Chứng khoán KB, từ năm 2012, chỉ có 3 lần P/E Vn-Index xuống dưới 13 gồm giai đoạn trước là vào năm 2012 (giai đoạn nền kinh tế có nhiều bất ổn như nợ xấu ngân hàng…), cuối 2015 -2016 (lo ngại Trung Quốc hạ cánh cứng, phá giá đồng nhân dân tệ…) và năm 2020 khi thị trường lao dốc vì đại dịch. 

Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong quý III sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Chứng khoán KB Việt Nam

Theo ông Đức Anh, trong bối cảnh vĩ mô nhiều biến động, sẽ xuất hiện ngành mạnh/yếu hơn thị trường chung, như sự kiện Tân Hoàng Minh đã tác động đến cổ phiếu bất động sản, ngân hàng một hai tháng sau đó.

Số liệu của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng cả nước đang cho thấy ngành hàng bán lẻ được hưởng lợi tích cực. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi, mà tập trung ở nhóm nhu cầu tiêu dùng kìm nén hai năm vừa qua.

Đầu tư cổ phiếu ngành bán lẻ, thời điểm mua cổ phiếu cần quan tâm bởi hiện giá cổ phiếu đã cao. Yếu tố thứ hai, lạm phát cao ảnh hưởng đến sức mua người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo, lạm phát được kiểm soát tốt và tăng trưởng GDP và tăng trưởng thu nhập người dân, ngành bán lẻ đáng lưu tâm trong dài hạn.

Trong quý III và quý IV tới, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng có thể hưởng lợi. Dù ngắn hạn có yếu tố rủi ro về room tín dụng, nợ xấu, trái phiếu, nhưng trong trường hợp bức tranh quý II cho thấy chất lượng tài sản, tăng trưởng thu nhập, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành ngân hàng có thể hồi phục trong bối cảnh định giá thấp hiện tại.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã chịu ảnh hưởng rất nhiều sau sự kiện Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần nhanh chóng khôi phục thị trường này, nhất là khi 140.000 tỷ trái phiếu đến hạn quý III, quý IV.

Chia sẻ về cách đầu tư của các công ty quản lý quỹ, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA,  Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank cho biết một điểm quan trọng trong cách thức đầu tư của VCBF và đa phần các quỹ là có tính đa dạng.

Với VCBF, công ty hướng đến lựa chọn doanh nghiệp hàng đầu có khả năng điều chỉnh giảm nhưng sẽ hồi phục và phát triển vượt bậc sau khi thị trường hồi phục. Phó tổng giám đốc VCBF cũng hé lộ Công ty đang có kế hoạch mở thêm quỹ mở.

“Đầu tư vào quỹ không kỳ vọng tăng 5-7 lần, nhưng không để tình trạng mất 70-80% giá trị”, bà Nga cũng chỉ ra khi so sánh giữa việc đầu tư qua chứng chỉ quỹ và tự đầu tư.

.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA,  Phó Tổng giám đốc Công  ty Quản lý Quỹ Vietcombank

Theo bà Nga, người dân trước đây chủ yếu gửi tiết kiệm, nhưng hiện nên phân bổ vào các loại tài sản khác nhau, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, vàng… Trong trường hợp không có điều kiện đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, nhà đàu tư có nhu cầu cần tiết kiệm có thể sử dụng kênh đầu tư qua quỹ cổ phiếu, trái phiếu.

Thời điểm doanh nghiệp bất động sản có năng lực tài chính mạnh tiến hành M&A

Về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group nhận xét giao dịch trên thị trường đã đi xuống thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh có cơ hội M&A do nhiều doanh nghiệp khó khăn đang bán đi để tái cấu trúc.

Về thị trường trong 6 tháng và 1 năm tới, ông Ngọc dự báo thị trường có thể còn nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đã ôm hàng trong giai đoạn mới đây, đặc biệt là các nhà đầu tư đầu tư ngắn hạn, đầu cơ hay sử dụng đòn bẩy ngân hàng quá đà.

/.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group

Cũng theo Chủ tịch RB Group, thời điểm này có thể không tốt trong ngắn hạn nhưng vẫn có khu vực đáng đầu tư. Kiến thức, kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư khác nhau, sẽ dẫn đến các sự lựa chọn khác nhau nhưng thời điểm này nên đầu tư trung dài hạn hơn là lướt sóng.

Hai năm qua, thị trường sốt nóng ở nhiều vùng ven do "fomo" theo thị trường chung. Tuy  nhiên, ông cũng nhấn mạnh tới các thị trường có nội lực riêng về du lịch, hưởng lợi đầu tư công. "Chưa bao giờ giải ngân vốn cho đầu tư công nhiều như thập kỷ này", ông Ngọc lý giải.

Nhắc lại về giai đoạn 2011-2013, khi nền kinh tế lãi suất rất cao, dòng tiền hút hết về ngân hàng, nhà đầu tư khi đó như ngồi trên đống lửa, chết trên đống tài sản, do hạ giá nhưng không bán được và cũng không có tài sản cho thuê. Các khu đô thị bỏ hoang không có giá trị sử dụng.

Theo ông Ngọc, trong một hai năm tới có thể khó khăn, có thể xấu hơn hiện tại. Để không rơi vào tình trạng chết trên đống tài sản như trong quá khứ, nhà đầu tư nên cơ cấu tài sản đầu tư từ khu vực không có giá trị sử dụng về khu vực gần có giá trị sử dụng, nếu có dòng tiền cho thuê thì cảng tốt.

Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn khu vực hưởng lợi dự dự án đầu tư công, nhưng cần quản trị rủi ro tốt, tránh trường hợp cần thanh khoản nhưng tài sản không bán được. 

Săn kênh đầu tư nửa cuối năm 2022; Tỷ giá vẫn căng thẳng; Doanh nghiệp bất động sản quay lại kênh trái phiếu
Kênh đầu tư nào lên ngôi 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tăng hút tiền về, một số tập đoàn bất động sản lớn quay lại kênh trái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư