Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
VAFI kiến nghị tìm nhân sự giỏi điều hành HoSE
Thanh Thủy - 10/03/2021 18:00
 
Một bản đề xuất vừa được VAFI gửi lên Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đặt dấu hỏi về năng lực quản trị của lãnh đạo sàn HoSE.
Tình trạng nghẽn lệnh đã diễn ra trên sàn HoSE gần 3 tháng qua
Tình trạng nghẽn lệnh đã diễn ra trên sàn HoSE gần 3 tháng qua

Ngày 10/3, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) các đề xuất để "trái tim" thị trường chứng khoán Việt Nam (sàn HoSE – nơi đang tập trung các cổ phiếu lớn với tổng vốn hóa và thanh khoản lớn nhất thị trường) không còn bị tổn thương.

Theo Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán, có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán… thường xuyên diễn ra hàng ngày đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

Việc vận hành hệ thống giao dịch hiện hành trong 20 năm mà không làm chủ được công nghệ vận hành và việc chậm trễ hoàn tất dự án phần mềm trong gần 10 năm đang phản ánh sự yếu kém trong năng lực quản trị điều hành.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI, sự yếu kém này không phải bây giờ mới lộ rõ mà đã có vài trường hợp nghiêm trọng trong các năm trước đây. Thực tế, sự cố tại phiên giao dịch 22/1/2018 đã khiến sàn HoSE phải dừng hoạt động và mời chuyên gia Thái Lan tới để sửa chữa trong 3 ngày mới có thể hoạt động bình thường trở lại.

Ngoài ra, theo đại diện VAFI, khâu giám sát thị trường như tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng hay tình trạng lừa đảo thao túng chứng khoán ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo hay việc lựa chọn cổ phiếu vào bộ chỉ số VN-30 mà “không biết rằng” việc thanh khoản cổ phiếu bị điều khiển.

Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định, công tác bổ nhiệm nhân sự một số chức danh chủ chốt trong Ban Điều hành và Hội đồng quản trị của  HoSE không đạt yêu cầu. Một trong các nguyên nhân mà VAFI chỉ ra là quá trình bổ nhiệm không được tham vấn bởi giới đầu tư chứng khoán hay các công ty chứng khoán.

Kiến nghị của đại diện VAFI gửi đến Bộ Tài chính tập trung vào câu chuyện nhân sự và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán.

VAFI đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các Sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm Tổng giám đốc , Phó TGĐ phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán và không bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN hay các cơ quan trong Bộ Tài chính vào các chức danh chủ chốt trong HĐQT.

Cùng đó, theo VAFI, Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ hai cơ quan này.

Hiện Luật chứng khoán năm 2019 xác định, Sở giao dịch chứng khoán là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. “Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán”, đại diện VAFI nhấn mạnh trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính.

Liên quan đến tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE, nhiều hiệp hội đã lên tiếng. Ngoài VAFI, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cũng đề nghị bỏ phương án nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu từng được lãnh đạo HoSE đề xuất.

Theo VASB, với giải pháp dự kiến đưa ra từ HoSE về việc nâng lô tối thiểu thì các nhà đầu tư vốn ít dưới 100 triệu đồng có sẽ không có cơ hội tích lũy được cổ phiếu đầu ngành, thị giá lớn. Trong khi đó, không thể không quan tâm đến các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi lẽ, nhà đầu tư dù trong nước hay quỹ đầu tư nước ngoài họ sẽ cân nhắc các quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường trước khi tham gia. Ngoài ra, việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 còn là giải pháp phát sinh số lô lẻ lớn. Tại một cuộc họp mới đây do Bộ Tài chính chủ trì, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định trước mắt sẽ không thực hiện giải pháp này. 

Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư