Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
VAMC sẽ bán nợ bằng đàm phán tay đôi?
Thùy Liên - 07/07/2014 07:02
 
Trước những bế tắc hiện nay, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhiều khả năng sẽ triển khai đàm phán riêng lẻ với từng nhà đầu tư, để đẩy nhanh tốc độ bán nợ, thay vì bán đấu giá rộng rãi như ý định ban đầu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đừng lo khi bán nợ xấu bằng 30 - 40% giá trị
Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch mua nợ xấu
Hơn 30.000 tỷ đang chờ bán cho VAMC
Bán nợ của VAMC thế nào để tránh tiêu cực?
Bán nợ xấu: Đừng để "cá mập" ra đi

Thỏa thuận tay đôi để bán thí điểm

Theo dự kiến, trong quý III/2014, VAMC sẽ xúc tiến bán nợ cho một số nhà đầu tư.  TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, theo thông tin mà ông có được, trước mắt, sẽ không bán đấu giá các khoản nợ, mà VAMC sẽ đàm phán riêng lẻ với từng nhà đầu tư tiềm năng để bán nợ.

  VAMC sẽ bán nợ bằng đàm phán tay đôi?  
  VAMC nhiều khả năng sẽ triển khai đàm phán riêng lẻ với từng nhà đầu tư, để đẩy nhanh tốc độ bán nợ thay vì đấu giá   

Thông tin trên khiến các nhà đầu tư rất băn khoăn. Đại diện một quỹ đầu tư cho hay: “VAMC đã ký kết hợp đồng bảo mật thông tin với 2 công ty là Cushman & Wakefiel và Alvarez and Marsal. Hiện 2 công ty này đang triển khai khảo sát thực tế. Tuy nhiên, theo dự đoán của tôi, đây là hai đơn vị môi giới trung gian. Để bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, VAMC nên tổ chức bán đấu giá rộng rãi và giới thiệu món hàng trực tiếp đến nhà đầu tư, thay vì bán qua trung gian. Không nhà đầu tư nào muốn mua nợ qua trung gian. Cho đến nay, mặc dù rất quan tâm, nhưng chúng tôi vẫn không hiểu Ngân hàng Nhà nước sẽ bán nợ như thế nào?”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, hiện VAMC đã lọc ra danh mục những khoản nợ mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm để chào bán. Hiện có 10 nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, xem xét các món hàng này. Tuy vậy, việc bán nợ chỉ dừng ở mức độ tìm hiểu, vì quy định hiện hành chưa cho phép VAMC bán nợ và chưa đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư mua nợ.

Lãnh đạo VAMC chưa xác nhận thông tin trước mắt sẽ bán nợ theo hình thức đàm phán tay đôi hay bán đấu giá, song ông Hùng khẳng định, VAMC sẽ tiến hành bán nợ ngay sau khi thủ tục pháp lý hoàn thiện. Ông Hùng cũng kỳ vọng, một khi các khoản nợ đầu tiên được bán, thị trường mua bán nợ sẽ được “kích hoạt” và các khoản nợ sẽ được bán nhanh hơn.

Mua hơn 50.000 tỷ, bán chưa đến 1.000 tỷ đồng

Từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua nợ rất tích cực, song quá trình xử lý nợ xấu rất chậm. Tính đến ngày 1/7, VAMC đã mua được 50.721 tỷ đồng nợ xấu và chuẩn bị mua thêm 1.200 tỷ đồng nợ gốc của VietinBank. Tuy nhiên, số nợ xấu mua về đã xử lý được lại rất khiêm tốn (đến thời điểm này, VAMC mới bán và thu hồi được 996 tỷ đồng nợ xấu).

Trong báo cáo mới ban hành đầu tháng 7/2014, các chuyên gia của HSBC tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC. “Nhìn về tổng thể, cải cách lĩnh vực ngân hàng còn trì trệ với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng cách tiếp cận từ từ, thì vẫn chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Điều đáng lo là, trong khi nợ xấu mua về vẫn chất đống trong kho của VAMC, thì nợ xấu mới vẫn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4, tỷ lệ nợ xấu đạt 4,03%, tăng khá mạnh so với con số 3,74% công bố hồi đầu năm.

Trong khi lãnh đạo VAMC đang rất sốt ruột vì tắc thủ tục bán nợ, thì các bộ, ngành đang lại vô cùng chậm chạp trong hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan do lo ngại các rủi ro có thể phát sinh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không trao cho VAMC những quyền năng lớn, việc xử lý nợ xấu sẽ rất chậm, thậm chí còn để vuột mất cơ hội bán nợ.

Trong khi đó, tuy ủng hộ cách bán nợ công khai, minh bạch, song một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể bán nợ theo kiểu đàm phán tay đôi để lấy kinh nghiệm và xử lý nhuần nhuyễn các vướng mắc trước khi tiến hành bán nợ rộng rãi.

“Việt Nam nên thực hiện thí điểm bán nợ sớm để tạo hấp dẫn cho thị trường, tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài, sau đó sẽ tháo gỡ điều chỉnh dần các vướng mắc về pháp lý”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, kinh doanh vốn và ngoại hối của HSBC Việt Nam khuyến cáo. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ngoài thủ tục bán nợ, VAMC đang vướng về giá bán nợ. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài chỉ trả giá khoảng 30% giá trị khoản nợ, mức giá này quá thấp, khiến VAMC không muốn bán.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư