Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
VAMC và nhà đầu tư sốt ruột với “chợ” nợ xấu
Thùy Liên - 24/02/2016 08:04
 
Hàng loạt tổ chức trong và ngoài nước đã đặt vấn đề mua nợ với Công ty Quản lý tài sản (VAMC), trong đó, 20 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VAMC. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hàng loạt rào cản pháp lý vẫn chưa được xử lý, khiến quá trình bán nợ của VAMC gặp nhiều khó khăn.

Người mua, kẻ bán đều đã có

Bắt đầu từ năm 2016 này, VAMC chính thức bắt tay vào xử lý nợ, mua và bán nợ theo giá thị trường thay vì tập trung gom và phân loại nợ như trước. Kho nợ của VAMC tính từ khi thành lập đến nay đã lên tới 245.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD, trong khi tổng số nợ xấu đã được xử lý mới đạt khoảng 22.780 tỷ đồng (bằng 9% tổng số nợ gốc).

Điểm đáng mừng là trong khi VAMC đang mong mỏi bán nợ thì đã có nhiều nhà đầu tư xếp hàng sẵn sàng chờ mua nợ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho hay, hiện có khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, chưa kể nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, đã có 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước (chủ yếu là DN nước ngoài) ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VAMC để tìm hiểu các khoản nợ.

VAMC tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016
VAMC tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016

“Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào quá trình xử lý nợ của Việt Nam. Dragon Capital cũng đã vào đây để tìm hiểu. VAMC cũng đang làm việc với các tổ chức này, nhằm mục tiêu bán tài sản minh bạch, phù hợp giá thị trường chứ không phải cho nước ngoài mua theo lô và bán với giá thấp”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã đặt vấn đề mua nợ với VAMC từ năm 2014, nhưng gần hai năm trôi qua, sự quan tâm vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu, chứ chưa ra giá cụ thể do VAMC chưa trả lời được một số câu hỏi của nhà đầu tư liên quan đến quyền sở hữu tài sản nợ, thủ tục chuyển nhượng nợ sau khi mua...

“Muốn kêu gọi được đầu tư nước ngoài hơn nữa, thì các vấn đề liên quan đến luật pháp cần tiếp tục được hoàn thiện sớm. Tất cả vẫn xoay quanh vấn đề pháp lý”, ông Hùng nói. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, có quỹ đầu tư “cá mập” nước ngoài sẵn sàng chi ra 1 tỷ USD để mua một lô nợ của VAMC, với yêu cầu có thể mua đứt, bán đoạn khoản nợ. Tuy nhiên, hiện VAMC vẫn bó tay trước yêu cầu của nhà đầu tư này, do vướng mắc hàng loạt thủ tục pháp lý.   

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù kẻ mua, người bán nợ đều đã có, song nếu thủ tục pháp lý không sửa đổi, sau 3 - 4 năm nữa, nợ xấu vẫn sẽ không được giải quyết và sẽ quay trở lại ngân hàng.

Lập sàn giao dịch nợ để giảm tải cho VAMC

Theo quy định hiện hành, muốn bán tài sản đảm bảo, ngân hàng và VAMC phải nhận được sự đồng thuận của con nợ. Chưa kể, còn phải phụ thuộc vào công an, tòa án, cơ quan thi hành án… Đây là nguyên nhân khiến quá trình xử lý tài sản đảm bảo kéo dài.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, cần nhanh chóng ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu. Theo đó, tất cả mọi vấn đề liên quan đến nợ xấu đều dựa vào luật này để xử lý, tránh tình trạng 3 - 5 năm sau, VAMC lại bị con nợ kiện cáo do không đồng thuận.

Được biết, để giảm gánh nặng cho VAMC, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ, trong đó có dịch vụ sàn giao dịch nợ, áp dụng cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và công ty mua bán nợ của các ngân hàng (không áp dụng cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và VAMC). Sàn giao dịch nợ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 100 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là rất cần thiết nhằm gia tăng người mua, kẻ bán trên thị trường nợ, minh bạch hóa quá trình mua bán nợ và giảm tải cho VAMC.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra đối với sàn giao dịch nợ, cũng giống như VAMC, là phải gỡ bỏ các rào cản về thủ tục pháp lý, thì nhà đầu tư mới hào hứng tham gia. 

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, nợ xấu tính đến ngày 31/12/2015 của hệ thống ngân hàng chỉ còn 2,5%. Thế nhưng, con số đẹp này chỉ là con số thực và không bị phình lên nếu thị trường nợ được hình thành, khi hơn 10 tỷ USD được mang ra lưu thông, xử lý triệt để.

VAMC mua nợ xấu không phải để xếp vào kho
Nhiệm vụ của VAMC là phải nhanh chóng xử lý nợ xấu tại TCTD, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ TCTD mà không dùng đến ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư