Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh
Thanh Huyền - 30/04/2023 06:45
 
Năm 2023, Việt Nam kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, là tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, tạo nên sức mạnh thống nhất, từng bước đưa Việt Nam mở cửa và hội nhập. Xuyên suốt quá trình đó là sự đóng góp của ngoại giao Việt Nam, với kim chỉ nam là nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Năm 1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp), Hiệp định Paris - hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - chính thức được ký kết. Ảnh: TTXVN

Bài học Bác dạy còn nguyên giá trị

Không khí những ngày này 48 năm trước, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn được ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng nhớ như in. “Có lẽ, chỉ có 2 thời khắc lịch sử tưng bừng như vậy mà tôi được chứng kiến, đó là sau hòa đàm Paris năm 1973 và sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975”, ông nói.

Theo ông Vũ Khoan, cuộc hòa đàm Paris đã giúp chúng ta thực hiện được một nửa lời dặn của Bác Hồ, đó là “đánh cho Mỹ cút”, để 2 năm sau, chúng ta hoàn thành vế còn lại là “đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước.

Được đi theo đoàn của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris khi Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973 đang gần kề, sau 50 năm, ông Vũ Khoan vẫn nhớ như in những đại lộ dẫn đến Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở Thủ đô Paris, nơi diễn ra lễ ký Hiệp định; khung cảnh tràn ngập cờ hoa của bà con kiều bào và bạn bè quốc tế bên ngoài Kléber. Tất cả đều đổ về đại lộ Kléber ăn mừng chiến thắng.

“Trên đường về nước, phái đoàn ngoại giao Việt Nam đi qua  Mátxcơva, Bắc Kinh được lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc tổ chức chào mừng rất long trọng. Đặc biệt, khi phái đoàn về đến sân bay Gia Lâm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí lãnh đạo cùng với nhân dân khi đó đã có hòa bình, nên mặc những bộ quần áo hoa, sáng màu ra đón rất tưng bừng”, ông Vũ Khoan nhớ lại.

Và rồi ngay sau ngày 30/4/1975, ông Vũ Khoan nhận quyết định tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh sang Liên Xô dự Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/1975). “Sự kiện này bỗng trở thành một cuộc chúc mừng cho hòa bình tại Việt Nam. Không khí đó khiến tôi rất xúc động và là một kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp của tôi”, ông kể.

Suy ngẫm về Hiệp định Paris, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đánh giá, quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc đàm phán Paris để lại biết bao bài học cho những người làm ngoại giao của Việt Nam.

Để dễ nhớ, cá nhân ông đã quy những bài học ấy thành 4 cụm từ bắt đầu bằng chữ “K”, đó là: “kết hợp”, “kiên định”, “kiên trì” và “khôn khéo”.

Thứ nhất, theo ông Vũ Khoan, chúng ta đã kết hợp sức mạnh của toàn dân tộc và kết hợp giữa các mặt trận khác nhau là chính trị, quân sự và ngoại giao, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của quốc tế.

“Bác Hồ đã dạy phải trông vào thực lực: ‘Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn’. Trong điều kiện đất nước còn thiếu thốn về vật chất, muốn vững mạnh, thì phải tạo được sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh đoàn kết quốc tế, sức mạnh tranh thủ lòng dân”, ông Vũ Khoan nhấn mạnh.

“Ngoại giao vốn là khoa học và nghệ thuật điều hành quan hệ quốc tế nhằm phục vụ cho 3 mục tiêu chủ yếu là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của nước mình. Ba mục tiêu ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, còn trình tự ưu tiên sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của từng nước, từng thời kỳ”.
- Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Thứ hai, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Tại bàn đàm phán Paris, chúng ta kiên quyết yêu cầu Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện, quân ta ở lại; Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta phải kiên trì vì đàm phán với một nước lớn, có vị trí quốc tế rất cao, sức mạnh vật chất rất lớn như Mỹ, không thể ngày một, ngày hai giành thắng lợi được. Chúng ta chủ trương đánh thắng từng bước, từng bộ phận, tiến lên ta giành thắng lợi hoàn toàn.

Thứ tư, khôn khéo kết hợp giữa chiến lược và sách lược, như Bác Hồ từng dạy: “Nguyên tắc của ta phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì phải linh hoạt”.

Theo ông Vũ Khoan, chiến lược thì cần giữ vững, trong khi sách lược phải rất linh hoạt. Sách lược của chúng ta trong Hội nghị Paris là chưa đòi xóa bỏ chính quyền Sài Gòn ngay, mà lúc đầu chỉ đòi xóa bỏ chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Đến giai đoạn ký kết, chúng ta cũng không đặt ra yêu cầu đó nữa, bởi vì khi thực tế tương quan lực lượng thay đổi, thì chúng ta sẽ lật đổ được chính quyền đó.

“Việc lựa chọn địa điểm mở hội nghị, thành phần tham sự, hình thức bàn ngồi họp cũng thể hiện sự vững chắc về nguyên tắc, linh hoạt về hình thức của chúng ta khi bước vào thương lượng với Mỹ”, ông Vũ Khoan phân tích.

Ông nhấn mạnh, dù hoàn cảnh, tiềm lực, vị thế quốc tế của đất nước đã khác trước, tình hình thế giới cũng thay đổi, tuy nhiên, những nguyên lý đó vẫn là ngọn cờ dẫn dắt chúng ta thực hiện các mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Hình thức có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhưng tinh thần của bài học kết hợp, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo đó cần được giữ vững.

Kế thừa và vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Trao đổi với báo giới hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, bản sắc ngoại giao Việt Nam có cội nguồn là những triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bản sắc đó được nâng lên một tầm cao mới bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại.

Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện 4 đặc sắc văn hóa: “kiên định trong mục tiêu; nhân văn trong cốt cách; rộng mở trong tâm hồn; linh hoạt trong hành động”.

Theo ông Vũ Khoan, một trong những biểu hiện sáng ngời trong thời hiện đại, kế thừa truyền thống hòa hiếu của cha ông là tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”. Tinh thần nhân văn ấy thấm nhuần trong tiềm thức con người và ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện 4 đặc sắc văn hóa: “kiên định trong mục tiêu; nhân văn trong cốt cách; rộng mở trong tâm hồn; linh hoạt trong hành động”.

Ông Vũ Khoan cho rằng, triết lý “bạn bè xa không bằng láng giềng gần” đồng thời thể hiện khí phách dân tộc. Bác Hồ từng xác định chủ trương coi “các nước Á châu là anh em, ngũ cường là bạn bè”. Chủ trương nhìn xa trông rộng của Người đã trở thành hiện thực sinh động, khi nước ta có quan hệ thân hữu với tất cả các nước châu Á và nâng tầm quan hệ với cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên mức hợp tác chiến lược và hợp tác toàn diện. Hơn thế nữa, nước ta đã 2 lần gánh vác và thực hiện thành công trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, khi nói đến tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, cũng cần nhắc đến phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cần thực hiện phương châm ấy một cách thích hợp để mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tình hình càng phức tạp, thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái bất biến là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái vạn biến của thế giới, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp vì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.

“Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư