Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Vàng miếng SJC “chỉnh” nhẹ, giá quốc tế vững mốc 1920 USD/ounce trước ngày Mỹ công bố CPI
Phạm Anh - 12/09/2023 10:25
 
Tỷ giá trung tâm sau khi vượt trên mốc 24.000 đồng/USD, đã được điều chỉnh trở lại, giá vàng SJC trong nước cũng đã giảm nhiệt trong phiên giao dịch ngày hôm nay.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 68,1 - 68,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tiếp tục giữ vững trên mốc 1.920 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD suy yếu và giới đầu tư đang thận trọng chờ đợi dữ liệu về chỉ số lạm phát tại Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,01% lên 1.922,18 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,14% xuống 1.944,4 USD/ounce.

Theo ghi nhận, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà giao dịch đang giữ vị thế của mình trước khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố vào thứ 4 sắp tới do có thể ảnh hưởng đến lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định, thị trường vàng đã khởi đầu tuần mới một cách tích cực nhờ đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, kim loại quý có thể sẽ còn phải đón nhận sóng gió do thị trường kỳ vọng sẽ còn một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Ở giai đoạn hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để giới đầu tư quay trở lại với thị trường vàng.

Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch đang dự đoán khoảng 93% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày 19, 20 tháng 9. Cùng với đó là dự đoán 41% khả năng Fed tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 11.

Trước khi cuộc họp tháng 9 diễn ra, mặc dù nhiều quan chức của Fed đã phát biểu không muốn tăng lãi suất, tuy nhiên rất ít người trong số đó dám khẳng định cơ quan này đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại lạm phát.

Phillip Streible, chiến lược gia trưởng tại Blue Line Futures cho rằng để giá vàng tương lai có thể tìm lại mốc 2.000 USD thì Fed cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng USD cũng như lãi suất trái phiếu tiếp tục suy yếu.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù đồng USD đã hạ nhiệt, tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm tại Mỹ vẫn ở mức cao đã khiến đà tăng của vàng bị hạn chế.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền Chung châu Âu (Eurozone) năm 2023 và 2024, trong đó kinh tế Đức giảm mạnh kéo đà tăng trưởng của khu vực đi xuống. Trong báo cáo, EC nhận định kinh tế của Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng, song sẽ thấp hơn so với dự báo được đưa ra đầu năm nay.

Dự báo tăng trưởng kinh tế vùng Eurozone đã bị EC hạ từ mức 1,1% được đưa ra hồi tháng 5 xuống 0,8%. Tỷ lệ lạm phát dự kiến của Eurozone năm nay cũng được điều chỉnh giảm từ mức 5,8% trong báo cáo trước đó xuống 5,6%, vẫn cao hơn lạm phát mục tiêu.

Tỷ lệ lạm phát của khu vực năm tới sẽ ở mức 2,9%, tăng nhẹ so với mức dự báo 2,8% được đưa ra hồi tháng 5.

Bên cạnh đó, thông tin về cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong tuần này cũng được thị trường quan tâm. Hiện thị trường kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai, các quỹ phòng hộ tiếp tục giảm đặt cược vào việc giá vàng sẽ đi xuống. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng tâm lý lạc quan cần phải cải thiện nếu vàng muốn phá vỡ được ngưỡng kháng cự ban đầu trên 1.980 USD/ounce.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 12/9, được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.981 đồng/USD, giảm 24 đồng so với phiên trước.

Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.782 - 25.180 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.920 đồng/USD (mua vào) và 24.260 đồng/USD (bán ra).

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng trong những tuần gần đây, trong bối cảnh đồng bạc xanh không ngừng tăng cao trên thị trường quốc tế. Sau khi lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng thì Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá lại trong ngày hôm nay. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 393 đồng, tương đương 1,66%.

Nghịch lý: Thị trường quốc tế càng hỗn loạn, giá vàng SJC trong nước càng tăng cao
Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế đang ngày càng được nới rộng và có thể lên đến 13 triệu đồng/lượng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư