Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Vàng thế giới bật tăng mạnh phiên cuối tuần trước áp lực lạm phát Mỹ tăng
T.V - 11/06/2022 09:09
 
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay bật tăng hơn 25 USD/ounce lên 1.872 USD/ounce sau dữ liệu được công bố cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nóng hơn dự kiến.

Thị trường vàng chịu áp lực bán ra mạnh mẽ sau dữ liệu được công bố cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nóng hơn dự kiến.

Ngày 10/6, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo về Chỉ số CPI của nước này trong tháng 5/2022. Theo đó, chỉ số CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 1% trong tháng 5.

Báo cáo của bộ này cũng cho thấy, lạm phát đã tăng 8,6% trong tháng 5, cao hơn so với mức dự báo của các nhà kinh tế là tăng 8,3%.

Ngoài giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản cũng tăng nóng hơn dự kiến với mức tăng 0,6%, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 0,5%. Trong năm, lạm phát cơ bản đã tăng 6%.

Những dữ liệu này cho thấy áp lực lạm phát ở nền kinh tế Mỹ dường như còn lâu mới đạt đến đỉnh điểm do giá tiêu dùng đã tăng hơn dự kiến vào tháng 5, chạm mức cao mới trong 40 năm.

Giá kim loại quý không thể tìm được động lực tăng giá từ dữ liệu lạm phát và có thời điểm đã rơi xuống gần mức 1.820 USD/ ounce, nhưng giá vàng đã lấy lại được đà tăng và bứt phá lên 1.872 USD/ounce. 

Mặc dù giá tiêu dùng tăng cao sẽ giữ lãi suất thực ở mức thấp, nhưng những dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến này sẽ củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ cứng rắn của mình.

Fed mới đây đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp tháng 6 và tháng 7/2022. Tuy nhiên, các thị trường đang dự báo sẽ có thêm lần tăng 50 điểm cơ bản thứ ba sau mùa hè này

Giới phân tích kỳ vọng, giá vàng hướng tới mốc 1.900 USD/ounce có vẻ khả thi. Các chuyên gia phân tích của Standard Chartered nhận định, giá vàng có khả năng phục hồi đáng kể với triển vọng nâng lãi suất.

Đồng thời, thị trường vật chất suy yếu trong bối cảnh lo ngại lạm phát có thể tăng nhanh hơn tốc độ tăng lãi suất.

Nhu cầu vàng vật chất giảm ở Ấn Độ trong tuần này, trong khi những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ngăn chặn hoạt động mua bán tại Trung Quốc.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay tiệm vàng Mi Hồng niêm yết mức giá vàng miếng SJC ở mức 69,1-69,7 triệu đồng/lượng (mua-bán). PNJ niêm yết vàng SJC ở mức 68,5-69,4 triệu đồng/lượng (mua-bán). 

Nhưng quy đổi hiện nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì cao hơn thế giới gần 18 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá ngân hàng (chưa thuế, phí).

Tại phiên chất vấn chiều hôm qua và sáng nay (9/6) do chưa thỏa mãn với câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, một số đại biểu Quốc hội đã liên tiếp đặt vấn đề về độc quyền vàng miếng SJC và chêch lệch "phi lý" giữa giá vàng trong nước nước và thế giới.

Trả lời vấn đề trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng trên thị trường quốc tế thời gian qua diễn biến rất phức tạp và khó lường, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng của thế giới.

Qua đánh giá, phân tích cho thấy giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản, chênh vào khoảng 2 triệu đồng/lượng so với quốc tế. Riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân được Thống đốc lý giải là do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2014 trở lại đây Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, nguồn cung vàng miếng trong nước đã bị giảm đi, vì có thể có một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Với biến động của giá vàng thế giới như vậy, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, khi niêm yết giá cũng rất lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao. SJC là một thương hiệu vàng người dân ưa chuộng hơn cả, nên niêm yết giá cao.

Trên thực tế, giá vàng niêm yết, giá vàng mua và bán của các tổ chức về cơ bản chênh nhau khoảng 1-1,5 triệu đồng/lượng. Đối với SJC mua cao thì bán cao và các thương hiệu vàng khác mua thấp lại bán thấp.

Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.

Vàng giảm mạnh khi USD mạnh lên
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay quay đầu giảm hơn 15 USD/ounce, xuống còn 1.840 USD/ounce khi sức khỏe của đồng bạc xanh tăng trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư