Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Vàng tiệm cận mốc 1.800 USD/ounce, chênh với giá vàng trong nước tới 15 triệu đồng/lượng
Phạm Anh - 03/10/2023 10:41
 
Đây đã là phiên thứ 6 liên tiếp giá vàng đi lùi và ngày càng tiến sát hơn mốc 1.800 USD/ounce. Áp lực chỉ số USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao khiến thị trường vàng khó có thể hồi phục.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 68,2 - 68,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Ờ chiều bán ra, giá vàng tại các hãng quanh mốc 68,9 triệu đồng/lượng. Đa phần hãng vàng trong nước đều giảm 50.000 – 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước dưới áp lực điều chỉnh của vàng thế giới.

Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán phổ biến trong khoảng 700.000 – 800.000 đồng/lượng.

Trước đà lao dốc của vàng thế giới, vàng miếng SJC vẫn khá bình chân. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới quy đổi do đó đã nới rộng lên trên 15 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng tiếp tục có phiên thứ 6 suy giảm và tiến gần đến cột mốc 1.800 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trước áp lực chỉ số USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao. Giá vàng tương lai tháng 12 đã chạm mức thấp nhất trong 10 tháng.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,56% còn 1.816,79 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,84% còn 1.831 USD/ounce.

Tuần trước, chính phủ Mỹ đã suýt phải đóng cửa nếu như giới cầm quyền không kịp đi đến một thỏa thuận. Đạo luật này giúp phân bổ ngân sách để bảo đảm chính phủ liên bang có thể duy trì hoạt động trong vòng 47 ngày (đến ngày 17/11).

Ông Yung-Yu Ma, Giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management nhận định, hầu như các thị trường tài chính đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, sự lạc quan hiện tại của các nhà đầu tư sẽ khó mà kéo dài được lâu bởi lãi suất và quan điểm điều hành cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới là những yếu tố quan trọng chi phối đến thị trường trong vài tuần tới.

Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết bà vẫn sẵn sàng ủng hộ một đợt tăng lãi suất khác nếu dữ liệu sắp tới cho thấy tiến trình giảm lạm phát đang bị đình trệ hoặc diễn ra quá chậm. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael Barr cho biết lãi suất ở gần hoặc đủ ở mức cần thiết.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, thước đo đại diện cho chi phí đi vay hàng năm của Washington trong 10 năm, đã tăng lên 4,6%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Lợi suất đã trên đà tăng kể từ mùa xuân khi các nhà đầu tư bắt đầu dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất “ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn”.

Lần gần nhất lợi suất lên cao đến vậy là khi nợ của chính phủ liên bang tương đương với 35% GDP, nhưng hiện nay tỷ lệ này đã tăng lên tới 98%. Bởi vậy, lãi suất gia tăng sẽ gây thiệt hại cho ngân sách gấp gần ba lần.

Trong bối cảnh chính phủ tiếp tục vay nợ, lãi suất của Mỹ sẽ khó có thể giảm mạnh. Nợ vay của chính phủ kích thích nền kinh tế, làm tăng rủi ro lạm phát, dẫn đến việc Fed kéo lãi suất lên mức cao hơn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thâm hụt ngân sách đang kéo lãi suất của Mỹ lên cao hơn 3 điểm % so với mức cần thiết.

Sức mạnh của đồng USD được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt khi tăng lên trên 4,6% và là mức cao mới trong 16 năm trong tuần trước. Các nhà đầu tư ngày càng bị thuyết phục hơn về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với một chu kỳ thông thường.

Mặt khác, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết, tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD tiếp tục ở mức 58,9% trong quý II/2023, không đổi so với quý trước đó.

Giới chuyên gia nhận định, đồng USD tiếp tục giữ vai trò là đồng tiền thống trị hoạt động ngoại hối và tài trợ quốc tế, thể hiện qua tỷ trọng của đồng tiền này trong các giao dịch ngoại hối. Tuy nhiên, về dài hạn, tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ quốc tế có "xu hướng giảm dần" và đã giảm hơn 10 điểm phần trăm trong 20 năm qua.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,21% lên 107,12 điểm, duy trì mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2022.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 3/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.065 đồng/USD, giảm 24 đồng so với phiên trước.

Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.862 - 25.268 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.220 đồng/USD (mua vào) và 24.560 đồng/USD (bán ra), tăng 70 đồng/USD so với hôm qua.

Vàng trong nước hồi phục, tỷ giá quay đầu tăng
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh trong ngày đầu tháng 10. Tuy nhiên, tại các ngân hàng thường mại, tỷ giá USD lại quay đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư