Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 19 tháng 08 năm 2024,
VASEP tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc kiểm soát IUU và cấp giấy S/C
Hoài Sương - 19/08/2024 17:29
 
VASEP gửi công văn số 88/CV-VASEP tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số bất cập trong thực hiện kiểm soát IUU, cấp giấy S/C và đề xuất hỗ trợ tháo gỡ.

Chưa gỡ được khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất, xuất khẩu hải sản, để có được đầy đủ các hồ sơ xác thực cho mỗi lô hàng, cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã gặp phải rất nhiều các khó khăn, bất cập.

Đặc biệt là liên quan đến giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại các tỉnh, dẫn đến doanh nghiệp không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang châu Âu. Và đây cũng là thực trạng khiến hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng sang EU.

Còn nhiều bất cập liên quan đến việc kiểm soát IUU và cấp giấy S/C.

Nêu rõ các bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C, VASEP cho biết, thứ nhất với nội dung “Sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài vùng khơi chưa cải thiện tích cực”. 

Tuy nhiên, theo VASEP, trên thực tế, tàu vi phạm (nếu có) thường đa phần là từ vùng khơi. Trong đó, vùng khơi hiện nay là do các lực lượng chấp pháp (Kiểm Ngư, Hải quân hoặc Cảnh sát biển) quản lý.

Thứ hai, một số tàu khai thác khi vào cảng thì chỉ vào cảng chỉ định để trình diện hồ sơ, sau đó đi về cảng khác để bốc dỡ nguyên liệu. Hơn nữa, hiện nay nhiều tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không cập cảng chỉ định. Do đó, doanh nghiệp không xin được giấy S/C tại cảng chỉ định. 

Thứ ba, theo quy định, giấy phép khai thác chỉ được ghi nghề chính (ví dụ nghề lưới kéo), không được ghi nghề phụ (nghề tải) như trước đây. Do đó, nhiều tàu khai thác đi nghề tải nhưng trên giấy phép khai thác ghi nghề lưới kéo (do không được ghi thêm nghề phụ). 

Vì vậy, doanh nghiệp khi mua các lô hàng có hàng từ nguồn gốc do tàu này khai thác thì không được cấp giấy S/C cho lô nguyên liệu của các tàu này.

Thứ tư, nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT) nên cuối cùng, các doanh nghiệp cũng đã không thể được cấp giấy S/C để làm điều kiện xuất khẩu. 

Vấn đề này, VASEP cũng đã có báo cáo, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 4/2024. Bộ đã có văn bản gửi tới các tỉnh có quản lý tàu thuyền, nhưng tình trạng này cải thiện chưa nhiều.

Thứ năm, tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có một thực trạng là doanh nghiệp trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho doanh nghiệp được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà ban quản lý cảng cá và Chi cục được cấp sử dụng.

Vì vậy, theo VASEP, doanh nghiệp là chủ thể luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C, nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để doanh nghiệp có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu EU. 

“Rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” ảnh hưởng đến thủ tục xin S/C của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu”, VASEP cho hay.

Cần có cảng cá đủ "chuẩn", góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần có cảng cá đủ “chuẩn”

Để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh ven biển xem xét có chương trình đầu tư, cải tạo để gia tăng số lượng các cảng cá đủ “chuẩn” được chỉ định, công bố, góp phần cơ bản giải toả nút thắt hiện nay của khâu quản lý tàu cá cập bến và xác nhận nguyên liệu.

Đồng thời, website của Cục Thủy sản cập nhật danh sách tàu vi phạm IUU, nhưng khi đưa một tàu ra khỏi danh sách, VASEP đề xuất Cục có thông báo chi tiết về thời gian rút, lý do để giúp doanh nghiệp thực hiện và cập nhật cho việc mua hàng và cả xác lập các căn cứ khác liên quan đến các lô hàng liên quan.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có các quy định hoặc biện pháp, hướng dẫn cho các chi cục, cảng cá… để doanh nghiệp khi đi mua nguyên liệu khai thác của ngư dân có thể biết được nguyên liệu đó là hợp pháp hay không để làm cơ sở cho việc “làm được giấy S/C, C/C và có thể xuất khẩu sang EU”, VASEP kiến nghị.

Nguyên nhân là do, ngoài thông tin tàu “IUU” trên website của Cục Thủy sản, doanh nghiệp không có quyền kiểm tra dữ liệu giám sát hành trình - dữ liệu này chỉ có ban quản lý cảng cá và Chi cục thủy sản được truy cập.

Ngoài ra, VASEP mong muốn tiếp tục có các chỉ đạo, hướng dẫn, thúc đẩy để các tỉnh thực hiện tốt các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 2 Thông tư 17/2028, 38/2018 về “Chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm” và “Cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm” cho các tàu cá.

Không cho phép đánh bắt cá ngừ vằn có chiều dài dưới 500 mm: “Lấy đá ghè chân mình”
Là loài cá mang lại giá trị thương mại lớn, nhưng nguồn nguyên liệu cá ngừ vằn đang làm khó doanh nghiệp, khi quy định mới đây không cho phép...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư