Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VCCI có tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Khánh Linh - 31/12/2021 10:03
 
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tên mới của tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
.
Sáng 31/12/2021, Đại hội VCCI  diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và các điểm cầu trên toàn quốc với 450 đại biểu chính thức

Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 -2026 đã thống nhất đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tên tiếng Anh vẫn giữ nguyên là Vietnam Chamber of Commerce and Industry. Tên viết tắt vẫn là VCCI.

Trong Điều lệ VCCI vừa được thông qua, tôn chỉ, mục đích của VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.

Tầm nhìn và sứ mệnh của VCCI trong giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng đã được thống nhất. Tầm nhìn của VCCI là Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng. Sứ mệnh được lựa chọn là  liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngàn tập thế giới.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành khóa VII gồm 93 ủy viên, đại diện cho gần 200 ngàn doanh nghiệp, trên 220 hiệp hội doanh nghiệp hội viên trên toàn quốc.

Các ủy viên đồng thời là các lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong các ngành kinh tế quan trọng của đất nước, trong đó có doanh nghiệp đầu ngành, với tổng doanh thu năm 2020 tương đương gần 100 tỷ USD, lợi nhuận ước khoảng 8 tỷ USD và lực lượng lao động trên 500 ngàn người.

Về cơ cấu, 44,3% là đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương; 12,4% là đại diện lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. 34% đại diện lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân... So với cơ cấu Ban chấp hành khóa VI, tỷ lệ đại diện doanh nghiệp nhà nước giảm khoảng 2%, tăng tỷ lệ đại diện doanh nghiệp tư nhân.

Tuy vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước  tham gia Ban chấp hành VCCI khóa VII có mặt hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, như PVN, EVN, VNPT, Vietnam Airlines, BIDV, Vietcombank...

Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn cũng góp mặt đông đảo trong Ban chấp hành khóa VII, như bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco... 

“Điều này cho thấy tính tiêu biểu và năng lực rất mạnh của Ban chấp hành khóa VII, cho chúng ta niềm tin VCCI trong nhiệm kỳ mới sẽ có những đột phá phát triển, thực hiện tốt vai trò đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả cho sự phát triển của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh trong phát biểu tại Đại hội.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Cần nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19
Theo VCCI, công tác phòng chống dịch bệnh trở thành một phần không tách rời của quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí phòng chống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư