Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Vẽ màu” cho du lịch mùa thu Hà Nội
Hồ Hạ - 25/07/2020 08:24
 
Ngành du lịch Thủ đô đang tiếp tục xây dựng sản phẩm hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón đầu thời điểm “vàng” thu hút du khách là mùa thu và cuối năm.
Hồ Gươm, Hà Nội lãng mạn khi mùa thu đến. Ảnh Hồ Hạ
Hồ Gươm lãng mạn khi mùa thu đến. Ảnh: Hồ Hạ

Tăng cường quảng bá hình ảnh Hà Nội

Theo Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội năm 2020 vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh bằng nhiều hình thức. Đó là đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch Hà Nội trên mạng Internet, các mạng truyền hình nổi tiếng của nước ngoài, ứng dụng trên điện thoại thông minh, mạng xã hội; từng bước xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch; triển khai hệ thống du lịch thông minh; thực hiện tốt chương trình marketing, tổ chức xúc tiến sản phẩm và điểm đến du lịch, xem đây là kênh giới thiệu sản phẩm du lịch đến với du khách.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch của Thành phố, Sở đã xây dựng lộ trình cụ thể từ nay đến cuối năm để nhanh chóng phục hồi thị trường, phát triển du lịch bền vững. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch; kết hợp các biện pháp phục hồi du lịch với nhiệm vụ phòng, chống dịch; xây dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Nội, gồm: du lịch di sản - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại...

Ngành du lịch Thủ đô đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, trong đó, đáng chú ý là đã ký biên bản hợp tác với 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air về triển khai các chương trình kích cầu cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nội. Từ tháng 7 đến tháng 9/2020, Vietnam Airlines giảm giá vé 10 - 40% cho các chặng bay nội địa. Hơn 20 khách sạn trên địa bàn Thành phố giảm bình quân 30% giá các dịch vụ.

Mới đây, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã tổ chức cuộc họp 3 bên giữa lĩnh vực lữ hành, lưu trú, điểm đến để bàn về các chính sách kích cầu hiệu quả, tạo sức hút mới cho du lịch Thủ đô. Các đơn vị đã có chung tiếng nói, thống nhất chính sách kích cầu, giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng những tour trải nghiệm hợp lý, góp phần tạo sức bật rõ nét cho du lịch Hà Nội vào thời điểm mùa thu và cuối năm nay.

Tại cuộc họp, 14 đơn vị điểm đến và 11 khách sạn trên địa bàn Hà Nội đã cam kết tham gia kích cầu du lịch Hà Nội với các gói giảm giá sâu đến 30%. Thậm chí, có đơn vị giảm giá 60% như Công ty cổ phần Tuần Châu - Hà Nội giảm giá vé chương trình Tinh hoa Bắc bộ hạng Bạc và Vàng từ 300.000 - 400.000 đồng/vé, xuống còn 200.000 đồng/vé; Khu du lịch sinh thái Bản Rõm giảm 20% giá vé…

Ngoài chính sách giảm giá, kích cầu, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng thành công một số sản phẩm du lịch mới, như tour du lịch đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour khám phá Hoàng thành Thăng Long với nội dung trải nghiệm mới; đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề...

“Bên cạnh hoạt động kích cầu, Hà Nội luôn bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện; nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách đến Hà Nội luôn muốn quay lại”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

.
Mùa thu, khu phố cổ Hà Nội đẹp đến nao lòng. Ảnh: Hồ Hạ

Đón đầu thời điểm “vàng”

Cũng theo ông Hiếu, Sở Du lịch TP. Hà Nội đang chuẩn bị danh sách các đơn vị tham gia kích cầu du lịch Hà Nội để báo cáo UBND Thành phố và sẽ sớm công bố rộng rãi. Hiện nay, du lịch Hà Nội đã có sự chuyển biến đáng kể sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lượng khách nội địa trong các tháng 6 và 7 tăng hơn so với những tháng đầu năm .

Thời điểm “vàng” của du lịch Hà Nội là vào mùa thu và cuối năm. Vì thế, ngay từ bây giờ, các đơn vị đang tích cực chuẩn bị kế hoạch làm mới sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng của Hà Nội, nâng cao chất lượng dịch vụ bên cạnh các gói kích cầu để đón đầu mùa cao điểm du lịch Thủ đô.

Phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch Thủ đô
Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP. Hà Nội
Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Hà Nội, phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch nổi bật của Việt Nam và khu vực; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các thị trường trọng điểm và các hội chợ du lịch lớn trên thế giới như Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á; mở rộng các phương thức tiếp thị mới để thu hút khách du lịch đi theo dạng kinh doanh và du lịch MICE.

Để “vẽ màu” cho du lịch mùa thu ở Vườn thú Hà Nội, ông Nguyễn Minh Quyết, Phó giám đốc Vườn thú Hà Nội cho biết, đơn vị đã nghiên cứu thực hiện một số sản phẩm mới để thu hút khách nội địa. Một trong những kế hoạch mà đơn vị kỳ vọng sẽ hấp dẫn du khách trong mùa thu và cuối năm nay là xây dựng sản phẩm khám phá vườn thú Hà Nội vào ban đêm giống như tour khám phá của Singapore.

Vườn quốc gia Ba Vì cũng đang nỗ lực thu hút khách du lịch. Ông Chu Ngọc Quân, Phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì chia sẻ, để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch tại Vườn quốc gia Ba Vì, đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm, như lễ hội hoa dã quỳ vào tháng 10, du lịch trải nghiệm kết hợp các môn thể thao như đạp xe, leo núi... Đây sẽ là điểm mới tạo lực hấp dẫn đối với du khách.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Hoạt động đón khách đến Hà Nội đã bước qua khoảng lặng do tác động của Covid-19, song trên thực tế, trong mùa cao điểm du lịch hè năm nay, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội lại chủ yếu đưa du khách tới các tỉnh, thành phố khác. Nguyên nhân được giới chuyên môn “mổ xẻ” là do trong mùa hè, du khách nội địa thường có tâm lý đi du lịch biển hoặc lên vùng núi cao để tránh nóng. Ngoài ra, Thủ đô còn thiếu sản phẩm du lịch đặc thù và có thương hiệu, nên chưa thực sự có sức hút lớn đối với du khách trong mùa hè.

Nhiều năm gắn bó với ngành du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc VietSense Travel nhận định: “Hà Nội nổi tiếng với “đặc sản” mùa thu lãng mạn và nhiều món ăn ngon. Trước đây, chúng ta chỉ chú trọng thu hút khách quốc tế mà chưa quan tâm đến thị trường nội địa, nhất là khách từ miền Trung, miền Nam, trong khi vẻ đẹp, khí hậu mùa thu và mùa đông Hà Nội lại là “đặc sản” đối với họ. Vì thế, cần phải định vị điểm đến Hà Nội bằng cách liệt kê những điểm tham quan đặc sắc, những món ăn đặc trưng vào mùa thu, đông của Hà Nội và triển khai chính sách kích cầu, giảm giá hấp dẫn trong những tháng cuối năm để thu hút du khách”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel khẳng định, nếu biết cách, các doanh nghiệp có thể kéo khách đến Hà Nội vào mùa thu, thay vì phải sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản để ngắm mùa lá đỏ.

“Hãy gợi cho du khách cảm xúc muốn đến Hà Nội thông qua những bài hát hay về Thủ đô trong công tác tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể tận dụng hệ thống xe buýt 2 tầng tạo thành các tuyến shuttle bus (tuyến xe buýt ngắn) để du khách dễ dàng tham quan các điểm di tích nổi tiếng ở nội, ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, có thể phát triển các sản phẩm tour du lịch mùa lúa chín ở các vùng ngoại thành để kích cầu chính người Hà Nội du lịch Hà Nội. Đây sẽ là bước đệm tốt để đón khách quốc tế sau này”, ông Đạt gợi mở.

Nhấn mạnh thói quen, xu hướng đi du lịch của du khách hiện nay đã thay đổi rất nhiều, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ: “Khách du lịch hiện nay có xu hướng sử dụng combo (gói dịch vụ) và rất thích check-in tại các địa điểm nổi tiếng. Nhiều du khách đến Hà Nội bỏ ra tới 4 - 5 giờ chỉ để chụp ảnh ở khu vực cầu Long Biên. Chúng ta từng có sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội” khá hấp dẫn, phù hợp thị hiếu. Vì thế, Sở Du lịch TP. Hà Nội nên khởi động lại và tiếp tục phát triển sản phẩm này như một thương hiệu riêng của du lịch Thủ đô”, ông Dũng khuyến nghị.

Ngoài phát triển các sản phẩm đặc thù, để “vẽ màu” cho du lịch mùa thu Hà Nội, theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để có những cơ chế, chính sách thuận lợi trong việc xây dựng sản phẩm kích cầu hấp dẫn, thu hút dòng khách chi tiêu cao bằng các sản phẩm du lịch golf, nghỉ dưỡng hay MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) nhằm phát huy tối đa tiềm năng của Hà Nội. Đây chính là cách định vị thương hiệu để tạo sức bật cho du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

Ngành du lịch

Thủ đô phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 đón lượng khách quốc tế bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 80% so với cùng kỳ năm 2019. Cả năm 2020, Hà Nội phấn đấu đón 14,08 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 12 triệu lượt khách nội địa.
Hà Nội đào tạo nhân lực du lịch bài bản, có chiều sâu
Ngành du lịch Hà Nội đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu 100% lực lượng lao động trực tiếp được trang bị, đào tạo kiến thức du lịch theo tinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư