Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
“Vết nứt” thanh khoản tại thị trường trái phiếu Mỹ
Tư Thuần - 15/11/2022 18:13
 
Thanh khoản - một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả của thị trường trái phiếu Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Việc mua - bán tại thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đáng ra phải rất dễ dàng. Tuy nhiên, Gregory Whiteley, giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu tại DoubleLine Capital cho biết, đa phần thời gian trong năm nay, việc mua - bán phải trải qua nhiều bước.

Chẳng hạn, các nhà giao dịch (trader) thường có thể mua 400 triệu USD trái phiếu kho bạc - số lượng rất nhỏ so với quy mô của thị trường trái phiếu Mỹ vào khoảng 24.000 tỷ USD một cách nhanh chóng. Nhưng hiện tại, họ phải chia nhỏ số lượng để có thể gom đủ, thường là 100 triệu USD mỗi lô giao dịch. Thậm chí, trader cần phải gọi điện thương lượng mua - bán với các mối liên hệ của mình tại phố Wall.

Thị trường trái phiếu Mỹ đã chịu tổn thương khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và mối lo sợ nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng bóp nghẹt cả giá và thanh khoản. Hiện tại, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất để chống lạm phát, mối lo suy thoái mờ nhạt hơn và đa phần các tài sản đều đã trải qua các đợt bán tháo hoảng loạn, thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới một lần nữa chứng kiến những “đổ vỡ”.

Thanh khoản - một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả của thị trường trái phiếu Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Độ sâu thị trường, thước đo cung - cầu đối với các tài sản có tính thanh khoản, có thể giao dịch (dựa trên số lượng lệnh mua - bán mở cho một tài sản nhất định) cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo số liệu từ JPMorgan.

Độ sâu thị trường (đồ thị bên trái) và quy mô thị trường trái phiếu Mỹ qua các năm (đồ thị bên phải)

“Thị trường đang ở giai đoạn rất dễ tổn thương, với thanh khoản ở mức tồi tệ. Và định nghĩa về dễ tổn thương của tôi là khả năng các sự cố tài chính xảy ra ở mức cao hơn”, Greg Peters, Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income cho biết.

Đáng chú ý, những dấu hiệu này đã xuất hiện trước cả khi vòng luẩn quẩn tại thị trường trái phiếu đẩy các quỹ hưu trí tại Anh rơi vào khủng hoảng, buộc chính phủ nước này phải can thiệp, tuyên bố mua vào khoảng 65 tỷ bảng Anh trái phiếu. Vậy nên, dễ hiểu tại sao các thành viên thị trường lại trở nên lo lắng hơn với các vấn đề tại thị trường trái phiếu Mỹ.

Thực tế, giới đầu tư không lo ngại cuộc khủng hoảng tại Anh sẽ lặp lại ở thị trường trái phiếu Mỹ. Điều mà họ lo ngại là liệu các làn sóng bán tháo nhanh chóng có “xô đổ” thị trường trái phiếu Mỹ vốn đang trong tình trạng dễ tổn thương.

Giới chức Mỹ cũng sớm nắm được tình hình và nhanh chóng đưa ra các thông điệp. Tại hội nghị thường niên quan trọng của Fed New York mới diễn ra tuần trước, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, cơ quan này sẽ có hành động để thị trường hoạt động ổn định, “khối lượng giao dịch ở mức cao, các thành viên thị trường không gặp khó khăn trong các giao dịch”.

Các thành viên thị trường hiểu rõ, thanh khoản tại thị trường trái phiếu sẽ giảm trong năm nay bởi có nhiều yếu tố bất lợi. Tính chất bất ổn gia tăng sẽ dẫn tới thanh khoản giảm trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, mối quan hệ này đang theo chiều hướng ngược lại, khi thanh khoản giảm tạo nên sự bất ổn.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm (đường màu xanh) và kỳ hạn 2 năm (đường màu đỏ) tăng vọt khi Fed nâng lãi suất mạnh tay

Theo giới chuyên gia, vấn đề thanh khoản tại thị trường trái phiếu Mỹ hiện không chỉ nằm ở sự thay đổi giá “chóng mặt”, mà còn ở tình trạng khan hiếm người mua. Brian Sack, Giám đốc Quỹ D.E.Shaw, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn trái phiếu cho biết, chỉ riêng việc Bộ Tài chính bắt đầu bàn tới chuyện mua lại các trái phiếu kho bạc thanh khoản kém đã thể hiện vấn đề thiếu hụt người mua trên thị trường.

Một trong những lý do chính nhu cầu trên thị trường trái phiếu Mỹ giảm sút là bởi trong những năm gần đây, người mua lớn nhất thường là Fed và Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Cả 2 “khách hàng” này đều đang tạm ngừng hoạt động. Cụ thể, Fed rút các chương trình mua trái phiếu phục vụ việc thắt chặt tiền tệ, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản thậm chí bán ra trái phiếu nước ngoài để hỗ trợ đồng yên trước sự tăng giá của đồng USD.

Các khách hàng lớn khác trên thị trường bao gồm ngân hàng, các tổ chức đầu tư… cũng gặp khó khăn trong môi trường lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, đối với các nhà băng, chi phí nắm giữ trái phiếu kho bạc tăng lên, việc mua trái phiếu không được ưu tiên. Trong khi đây là nhóm đối tượng chính mua - bán và thực hiện các hoạt động tại thị trường thứ cấp, tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu.

Sự tham gia của các quỹ tương hỗ và các tổ chức giao dịch khác, nhất là nhóm giao dịch tốc độ cao bằng thuật toán cũng tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi nhà đầu tư bán trái phiếu trong cơn hoảng loạn, chính các nhóm giao dịch tốc độ cao là yếu tố đẩy nhanh và mạnh hơn nữa đà bán tháo.

Trong bối cảnh hiện tại, Chủ tịch Fed đã đề cập tới khả năng nới lỏng một số quy định về tỷ lệ an toàn đối với các nhà băng lớn, tạo dư địa để nhóm ngân hàng nắm giữ thêm trái phiếu. Nếu khủng hoảng diễn ra ở quy mô lớn, Fed chắc chắn phải can thiệp, tương tự Ngân hàng trung ương Anh (BOE) phải can thiệp với các gói hỗ trợ tạm thời. Tuy nhiên, một thị trường mà Fed phải can thiệp trực diện không phải kiểu thị trường ổn định và an toàn mà các nhà đầu tư trên thế giới muốn tìm tới.

“Nếu có bất kỳ dạng “đổ vỡ” nào xuất hiện tại thị trường trái phiếu Mỹ, nó sẽ tạo nên ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu, bởi thị trường trái phiếu đóng vai trò rất quan trọng với mọi nền kinh tế”, Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ.

Tốc độ tăng lãi suất của Fed có thể chậm lại
Một quan chức cấp cao Fed đánh giá tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại trong thời gian tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư