Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao Chat GPT và các công cụ AI không thể thay thế những cây viết thực thụ?
Nhung Bùi - 02/02/2023 10:10
 
Dù có nhiều tiến bộ khiến phần đông mọi người ngỡ ngàng, các công cụ AI như ChatGPT không thể thay thế con người trong một số lĩnh vực đặc thù.

Gần đây, người dùng Internet trên thế giới đồng loạt “phát sốt” trước sự xuất hiện của một công cụ AI (Artificial Intelligence-Trí tuệ nhân tạo) với tên gọi Chat GPT. Được mệnh danh là AI thông minh nhất thế giới, ChatGPT có thể trò chuyện, tạo văn bản, tạo ra những hình ảnh và video mới, thậm chí là làm thơ, viết code. Với bất cứ câu hỏi nào mà người dùng đưa ra, dù thuộc lĩnh vực nào, ChatGPT đa phần có thể trả lời lưu loát và vô cùng tự nhiên.

Sự tiến bộ vượt bậc của ChatGPT nói riêng và các công cụ AI nói chung khiến nhiều người nghĩ về viễn cảnh chúng sẽ cùng nhau thay thế con người. Tuy nhiên, có một lĩnh vực đặc thù mà các AI khó có thể vượt mặt con người, đó chính là mảng viết lách. So với những cây viết thực thụ, AI ở thời điểm hiện tại và ngay cả trong tương lai vẫn sẽ thua kém ở nhiều mặt.

Hiểu biết về bối cảnh: Những nhà văn, nhà báo hay các cây viết nói chung luôn có hiểu biết sâu sắc về bối cảnh mà họ đang viết. Họ có thể cân nhắc xem đối tượng, mục đích và thông điệp của văn bản hướng đến là gì để điều chỉnh tác phẩm của mình cho phù hợp. Trong khi đó, các mô hình AI như ChatGPT, dù có thể tạo văn bản dựa trên những dữ liệu mà chúng đã được nạp vào, vẫn thiếu khả năng hiểu biết đầy đủ ngữ cảnh.

Sức sáng tạo: Các cây viết nói chung có thể đưa ra những ý tưởng độc đáo và sử dụng trí tưởng tượng của mình để biến những ý tưởng đó thành nội dung mới mẻ, hấp dẫn. Các mô hình ngôn ngữ thiếu hoàn hoàn mặt này vì chúng chỉ có thể tạo ra văn bản dựa trên những dự liệu đã được con người cung cấp hoặc được tiếp xúc.

Trí thông minh cảm xúc: Các cây viết có thể chạm vào cảm xúc của độc giả và sử dụng cảm xúc đó để tạo kết nối với họ. Người đọc sẽ thấy mỗi phần tác phẩm thường đi kèm với những cảm xúc như đồng cảm, châm biếm, hài hước, trào phúng, hạnh phúc,… và nhiều hình thái khác nữa. Đây là điều các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT không thể tái tạo được.

Tư duy phản biện: Người viết có khả năng đánh giá nghiêm túc nguồn thông tin, kiểm tra độ xác thực và đưa ra quan điểm cân bằng trong khi viết. Ngược lại, các mô hình ngôn ngữ không có khả năng tìm hiểu tính xác thực của thông tin mà nó được cung cấp. Bất cứ thông tin gì do con người cung cấp đều được AI chấp nhận, “tiêu hóa” và từ đó, trả lại những câu trả lời sai sự thật.

Sự nhạy cảm về văn hóa: Con người có thể tính đến các chuẩn mực và quy ước văn hóa khi viết. Họ biết đối tượng của mình hướng tới là ai, để từ đó điều chỉnh văn bản theo hướng phù hợp với niềm tin và độ nhạy cảm của độc giả, tránh những mâu thuẫn về văn hóa, lịch sự, tôn giáo,…khi viết. Trong khi đó, các mô hình AI chỉ có thể tạo văn bản dựa trên dữ liệu sẵn có,  thiếu khả năng hiểu biết, cân nhắc đầy đủ đến bối cảnh văn hóa.

Sau khi thử nghiệm chatbot AI ChatGPT trong nhiều tình huống khác nhau, rất nhiều người thừa nhận công cụ này hoạt động tốt nhất khi có sự can thiệp của con người. Nếu không có sự chỉnh sửa từ phía con người, những bài viết do ChatGPT tạo ra sẽ thiếu chiều sâu cảm xúc và thiếu sắc thái tự nhiên. Mặc dù ChatGPT có thể hỗ trợ các công việc viết lách, thông qua việc sản xuất ra hàng loạt content khác nhau trong một thời gian ngắn; nhưng những công cụ AI như vậy sẽ không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn các cây viết thực thụ.

Microsoft rót thêm "hàng tỷ đô la" vào OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT
Microsoft đã quyết định đổ thêm tiền vào OpenAI, công ty đứng sau sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đang gây sốc cho giới công nghệ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư